Bác sĩ trẻ trở thành ‘thủ lĩnh’ tổ cung ứng hàng hóa cho người dân giữa khu phong tỏa

Sống trong khu vực bị phong toả vì dịch COVID-19, bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nghĩa vẫn không ngơi tay, vừa tham gia hỗ trợ tư vấn người bệnh, vừa giữ vai một “thủ lĩnh” của tổ cung ứng tại địa bàn.

Chú thích ảnh
BS. Nguyễn Trung Nghĩa những ngày tham gia hỗ trợ cộng đồng ở nơi phong toả. 

Những ngày không quên

Sáng 31/7, như bao ngày trước đó, BS. Nguyễn Trung Nghĩa, công tác tại Bệnh viện Việt Nam- Cuba, dậy sớm, chuẩn bị tinh thần cho cả ngày trực dài tại bệnh viện. Bất ngờ, anh nhận được tin phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi anh ở, đã bị phong toả từ đêm hôm trước vì có ca bệnh COVID-19. Có chút bối rối, lo lắng, nhưng kịp trấn tĩnh lại, anh quay về nhà để tự cách li cùng gia đình…

Tạm gác lại ống nghe và những ca trực ở bệnh viện, bắt đầu những ngày sống trong khu vực phong toả vì dịch bệnh, BS Nguyễn Trung Nghĩa lại hăng say với công việc hỗ trợ cộng đồng, không nề hà vất vả. Sau tấm biển chắn cách ly, anh đã nghĩ phải làm gì để những “ngày tháng lịch sử” ấy có ý nghĩa nhất.

Chứng kiến cảnh các tình nguyện viên, đa phần là các bạn trẻ vất vả, trong cái nắng gay gắt để vận chuyển đồ cung ứng cho người dân trong khu, anh không ngần ngại đăng ký tham gia ngay cùng nhóm và chính thức bước vào ngày tháng "Thanh niên tình nguyện" như thời sinh viên đầy nhiệt huyết…

Chú thích ảnh
Đội cung ứng trong một buổi làm việc tại khu vực phong toả.

BS. Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ: “Ngày đầu tiên tham gia công việc này, tôi cùng một bạn trong nhóm đảm nhận 1 xe đi phân phát. Hầu như tất cả đồ đạc, nhu yếu phẩm khi được nhận đều chất thành đống trên xe. Nhận thấy nếu hàng hóa sắp xếp lộn xộn như vậy, khi đến mỗi hộ dân sẽ phải tìm kiếm rất khó, không đảm bảo được thời gian cung ứng, chưa kể còn đồ tươi sống, nếu thời gian đi phân phát quá lâu, sẽ bị ôi thiu và hỏng hết; vì vậy, từ chuyến xe thứ 2, tôi cùng các bạn đã bắt tay vào sắp xếp khoa học hơn. Chúng tôi chia xe chia thành 3 khoang: Khoang đầu chứa đồ dành cho các gia đình ở số nhà từ số 2- 300; khoang thứ hai là đồ cho nhà từ số nhà 300- 400; khoang thứ ba cho nhà từ số 500-600… nên việc phân phát hàng của mỗi chuyến xe chỉ hết gần 45 phút, kể cả thời gian xếp đồ lên xe, giúp thực phẩm nhanh tới các hộ gia đình, lại tiết kiệm công sức của tình nguyện viên…”.

Về nhà, BS. Nguyễn Trung Nghĩa vẫn trăn trở, anh đã suy nghĩ và góp ý với nhóm, viết hẳn ra thành quy trình giao nhận đồ, phân luồng hợp lý, tiết kiệm được cả sức lực và năng suất hoạt động, những người làm công tác đi vận chuyển, phân phát cũng đỡ mệt hơn; đặc biệt là phải đảm bảo an toàn chống dịch.

Không chỉ đưa ra các sáng kiến trong công việc, với kiến thức y khoa sẵn có, BS. Nguyễn Trung Nghĩa còn tranh thủ hướng dẫn thêm cho đội tham gia công tác trong khu cách ly về các kĩ năng phòng dịch, ví dụ việc vệ sinh khử khuẩn, tiếp nhận đồ ra sao để tránh nguy cơ lây nhiễm; trong lúc làm việc và trước khi về nhà phải biết cách khử khuẩn như thế nào để bảo vệ chính bản thân và người nhà.... Đồng thời, anh hướng dẫn cho các thành viên nhóm tình nguyện thực hành tuân thủ 5K, vệ sinh tay thường quy, cách mặc - tháo đồ bảo hộ đúng… Nhờ quy trình rõ ràng, những ngày sau đó, công việc tiếp tế, cung ứng cho các hộ dân trong nơi phong toả đã nhẹ nhàng và an toàn hơn rất nhiều.

Từ một bác sĩ chuyên ngành Răng- Hàm- Mặt, anh được mọi người yêu mến đặt thêm nhiều cái tên thân thương và hài hước: “Bác sĩ cung ứng”, “Bác sĩ cách ly”… Với hoạt động nhiệt tình, hăng say và những sáng kiến trong công việc, anh còn được mọi người tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ cung ứng.

 “Hơn chục ngày cách ly cùng người dân trong khu phố, tuy không tránh khỏi những lo lắng, và khá vất vả với công việc đã “ôm vào người” nhưng thực sự với tôi, đó là quãng thời gian rất vui và hạnh phúc khi được làm việc cùng một đội nhóm trên cả tuyệt vời. Trong lúc nguy nan, mọi người càng đoàn kết, tinh thần càng vui vẻ thì mới càng có sức để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh”, BS. Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ.

Cứ như vậy, những chuyến cung ứng hàng hoá, đồ đạc ngày ngày cho các hộ dân trong khu cách ly được nhóm đảm nhiệm với tinh thần hăng say của tuổi trẻ, đi đến đâu, mang niềm vui, tiếng cười đến đó, đẩy lùi dịch bệnh, quên hết nhọc nhằn.

"Có những ngày mệt phờ nhưng về nhận được tin nhắn cảm ơn, chia sẻ của người dân, chúng tôi lại quên hết, lại phải tự nhủ cố gắng hoàn tốt hơn nữa công việc của mình"- BS. Nguyễn Trung Nghĩa tâm sự.

Chú thích ảnh
Đôi găng tay ướt sũng sau một buổi làm việc vất vả trong bộ đồ bảo hộ. 

Góp một phần tuổi trẻ

Quãng thời gian bị phong toả, tuy không trực tiếp đến bệnh viện làm việc, nhưng ngoài công việc cùng nhóm cung ứng, BS. Nguyễn Trung Nghĩa vẫn cập nhật thường xuyên tin tức hàng ngày từ bệnh viện, trực nghe điện thoại, tư vấn cho bệnh nhân…

BS. Nguyễn Trung Nghĩa còn là thành viên của mang lưới Thầy thuốc đồng hành cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, để hỗ trợ tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng, hỗ trợ cho y tế các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Tại nơi phong toả, BS. Nguyễn Trung Nghĩa còn tham gia hỗ trợ tư vấn về sức khoẻ răng miệng, các vấn đề về răng hàm mặt cho người dân khu vực phong toả; cập nhật tin tức và tuyên truyền về việc phòng chống dịch đến các bạn tình nguyện viên và người dân; nhất là ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc các hộ có người là F1, F2…

“Những ngày thời tiết nóng và oi bức, các thành viên trong nhóm vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ bằng nilong kín, mồ hôi ra nhễ nhại ướt hết áo quần. Mọi người như bị mất sức hơn với bộ bảo hộ, thậm chí có bạn gái đã bị ngất khi đang làm việc. Số đồ đạc được gửi đến khu phong toả có lúc rất nhiều, với những kiện hàng nặng tới vài chục kilogam, chúng tôi phải bê vác, đóng thùng như những công  nhân bốc vác chuyên nghiệp. Với những đồ tươi sống, chúng tôi tranh thủ sử dụng xe máy để vận chuyển tới người dân thật nhanh tránh bị hỏng. Công việc giao nhận cứ liên tục, có khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ ra thì người đã ướt sũng, mồ hôi đọng nặng trĩu cả găng tay…”, BS. Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến từng hộ dân. 

Vất vả là vậy nhưng tinh thần làm việc của cả đội vẫn chẳng hề nao núng, nhìn những hình ảnh vui vẻ làm việc trong bộ đồ bảo hộ chẳng phân biệt được ai với ai; những nụ cười trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi sau tấm che giọt bắn… của BS. Nguyễn Trung Nghĩa và đồng đội mới thấy được sức mạnh, vẻ đẹp của tuổi trẻ và tinh thần tương thân tương ái trong dịch bệnh.

“Chúng tôi muốn lan toả những thông điệp có ý nghĩa đến với tất cả mọi người để cùng chung tay phòng chống dịch; muốn cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình đến với địa phương đang bị phong toả. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, video về công việc ấy, tinh thần ấy trong những ngày cách ly, với mong muốn mọi người cùng ý thức hơn, đoàn kết để cùng nhau vượt qua dịch bệnh”, BS. Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên- Ảnh: NVCC
Người dân đội mưa đi tiếp tế tại phường Chương Dương do bị cách ly thêm 14 ngày
Người dân đội mưa đi tiếp tế tại phường Chương Dương do bị cách ly thêm 14 ngày

Do tiếp tục có thêm ca dương tính SARS-CoV-2, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phải cách ly y tế thêm 14 ngày. Trong sáng 15/8, nhiều người dân đội mưa đến khu vực này "tiếp tế" nhu yếu phẩm cho người thân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN