Sức mạnh của niềm tin
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàng Yến (83 tuổi, quê ở Nam Định), một trong những “chiến binh kỳ cựu” của Bệnh viện K xúc động khi nhắc đến bác sĩ Đỗ Anh Tú, người đã gắn bó như người thân của của bà trong suốt quá trình điều trị thời gian qua: “Đang trong lúc tuyệt vọng nghĩ mình đã nắm chắc “án tử”, thì bác sĩ Tú động viên và nói: “Y học ngày càng phát triển, cụ cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu”. Như “người chết đuối vớ được cọc”, tôi mới có thể mạnh mẽ vượt qua và kiên trì chiến đấu suốt 20 năm nay với căn bệnh ung thư quái ác”,
Cả tuổi già của bà là quãng thời gian sống chung với căn bệnh ung thư. Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, vẫn đang điều trị, nhưng bà Yến khá minh mẫn, tinh thần vui vẻ.
Nhớ lại những ngày đầu tiên đối diện với hai chữ “ung thư” cách đây 20 năm, căn bệnh đó thật khủng khiếp, bà Yến chậm rãi câu chuyện như thể không quên được một chi tiết dù là nhỏ nào.
Năm ấy bà Yến 60 tuổi, một ngày bỗng thấy vùng cổ, cánh tay nổi nhiều hạch nhỏ. Bà đi điều trị tại bệnh viện gần nhà nhưng chưa chẩn đoán ra bệnh, các hạch ngày càng tiến triển to hơn khiến bà và gia đình rất lo lắng. Thấy tình trạng không ổn, bà quyết tâm lên Bệnh viện K để thăm khám.
“Khám xong, bác sỹ bảo tôi ra ngoài chờ và gọi người nhà vào tư vấn. Khi nhìn nét mặt thẫn thờ của con trai tôi khi từ trong phòng đi ra, tôi hiểu ngay có điều gì không hay. Khi nghe bác sĩ nói “Bà được chẩn đoán ban đầu là ung thư máu, cần nhập viện điều trị”, tôi thấy trời đất như sụp đổ dưới chân, ngã sụp xuống. Hôm đó, tôi từ chối nhập viện dù được bác hết lời khuyên bảo...”, bà Yến rơm rớm nước mắt nhớ lại.
Sau đó bà Yến về nhà, đã có lúc định uống thuốc nam để điều trị rồi đến đâu thì đến, nhưng nhờ các con cái động viên nhiều, bà cũng “ậm ừ” nhập viện để chiều lòng các con, dù trong lòng không có chút hy vọng nào.
Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất bà đã gặp được bác sĩ Đỗ Anh Tú, khi ấy còn là một bác sĩ trẻ, mới về Bệnh viện công tác.
“Trong tâm trạng u ám ấy, tôi vào phòng bệnh nghe tư vấn và gặp một bác sĩ trẻ rất dễ mến là bác sĩ Tú. Bác sĩ không nói về bệnh, chưa nhắc tôi phải điều trị; chỉ nhẹ nhàng hỏi tôi đêm đầu tiên ở viện tôi có ngủ được không, nhắc cần chú ý ăn uống nhiều hơn ... Sự ấm áp ấy khiến tôi xúc động, tôi khóc nhưng lại thấy yên tâm hơn, như có chỗ dựa. Sau 3 ngày nằm viện, làm các xét nghiệm, buổi trưa hôm ấy, bác sĩ Tú mới trở vào gặp tôi và gia đình. Ngày hôm đó là ngày tôi khóc nhiều nhất khi thẳng thắn đối mặt với bệnh tật, nhưng sau đó thì không còn tuyệt vọng nữa, chỉ bởi câu nói của bác sĩ Tú rằng: “Bệnh của bác cũng ở giai đoạn tiến triển rồi, để điều trị ổn định, bác cố gắng hợp tác cùng các bác sỹ, y học ngày càng phát triển nên bác cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa”. Câu nói của bác sĩ Tú tôi vẫn còn nhớ như in suốt 20 năm qua, bởi đó là câu nói giúp tôi quyết tâm phải vượt qua bệnh tật”, cụ Yến xúc động nhớ lại.
Có lẽ sự ấm áp từ người bác sĩ trẻ khi ấy đã giúp cụ Yến có động lực để đồng ý điều trị, đủ sức mạnh để đối mặt với căn bệnh ung thư và kết quả cũng thật bất ngờ khi bà vẫn bền bỉ đến ngày hôm nay.
Nụ cười của bệnh nhân cũng là động lực của bác sĩ
Bác sĩ trẻ Đỗ Anh Tú ngày nào nay đã là Phó Giám đốc bệnh viện K; và cụ Yến cũng chính là ca bệnh mà TS.BS Đỗ Anh Tú ấn tượng nhất, gần như đã theo suốt quá trình làm nghề và trưởng thành của anh.
“Bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàng Yến là người bệnh tôi điều trị lâu năm nhất trong suốt quá trình công tác và cũng là ca bệnh ấn tượng nhất. Cách đây 20 năm, bà đã được chẩn đoán là bạch cầu mãn dòng lympho, bệnh đã ở giai đoạn 3, tiên lượng khá dè dặt nhưng ở thể trạng bệnh nhân tốt còn khả năng điều trị nên tôi đã cố gắng động viên cụ theo phác đồ. Xác định tinh thần chính là yếu tố rất quan trọng để người bệnh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này; lúc đó tôi đã nghĩ cần chia sẻ với bà như với người thân, người bà của mình, dần dần bà cởi mở hơn, hiểu hơn về bệnh tình để có thể cố gắng. Và rất may mắn sau khi chẩn đoán năm 2004, bà được điều trị phác đồ hóa chất, sau 8 lần truyền đáp ứng rất tốt, ổn định, và đã được về nhà theo dõi sau đó”, TS.BS Đỗ Anh Tú chia sẻ.
Sau điều trị sức khỏe bà Yến ổn định, mỗi khi thấy người mệt hay có hạch đau là bà là tới viện. Bệnh cũng đã có dấu hiệu tái phát sau đó theo chu kỳ 4 năm; mỗi lần nhập viện, bà Yến như trở lại mái nhà thứ hai vô cùng thân thuộc. Những lần truyền điều trị ngắn ngày đã không còn khiến bà cảm thấy nặng nề, lo sợ nữa và kết quả đều đáp ứng điều trị tốt.
“Gia đình tôi rất biết ơn các bác sĩ đã đồng hành cùng mẹ tôi trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là bác sĩ Tú đã như ân nhân của mẹ tôi. Hy vọng là câu chuyện của mẹ tôi và sự tận tình của bác sĩ sẽ vẫn tiếp nỗi mãi để các bệnh nhân có tinh thần, nghị lực chiến đấu với ung thư”, anh Hải, con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàng Yến chia sẻ.
Với TS.BS Đỗ Anh Tú, 25 năm gắn bó với Bệnh viện K, anh đã dành cả tuổi xuân, sự nghiệp, tâm huyết của mình dành cho những bệnh nhân ung thư. Mỗi ca bệnh thành công, với anh đều là sự khẳng định cho sự cao quý của nghề y. Với tất cả tình cảm trách nhiệm của người thầy thuốc và tinh thần hy sinh luôn có sẵn trong mình, bác sĩ Tú luôn chọn cách trao đi yêu thương, ân cần, tận tụy trong công việc để đổi lấy nụ cười, sự tin yêu của người bệnh.
“Vừa là bác sỹ, vừa ở vai trò quản lý, nên tôi càng ý thức rõ về sự gương mẫu, trách nhiệm và thận trọng trong chăm sóc mỗi người bệnh và hướng dẫn các bác sỹ, học viên trong chuyên môn, đôi khi cũng thấy mình “khó” với các bạn đồng nghiệp. Nhưng đó là trách nhiệm, là cái “khó” cần có của mỗi bác sỹ khi chọn nghề y. Với tôi, mỗi ngày đều phải tôi luyện bản thân, trau dồi chuyên môn, kinh nghiệm sống; bởi ngoài là người thầy thuốc, tôi và các đồng nghiệp cũng như người thân, là động lực để bệnh nhân gửi gắm niềm tin và sinh mệnh”, TS.BS Đỗ Anh Tú chia sẻ.
Và thành quả lớn nhất của người thầy thuốc có lẽ là sự yên tâm, hồi phục trở lại sớm của người bệnh. Nụ cười của những người bệnh như cụ Yến cũng là lời cảm ơn chân thành và đáng quý nhất, để bác sĩ Đỗ Anh Tú và các đồng nghiệp có thêm động lực để gắn bó với bệnh viện với sự nghiệp cứu người.