Ba lần 'chia lửa' cứu người cùng đồng đội

Sáng 29/11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 tổ chức lấy 7 mô tạng gồm tim, gan, phổi, 2 thận, 2 giác mạc từ người hiến chết não, đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Quân Y 103 trong ca ghép tạng ngày 27/11/2024 vừa qua.

Đây cũng là lần thứ 3 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 trong thực hiện lấy – ghép tạng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện TWQĐ 108 đã trở thành trung tâm ghép gan số 1 Việt Nam và Đông Nam Á. Ảnh: benhvien108.vn

Trước đó, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận một bệnh nhân nam 20 tuổi, hôn mê sâu do chấn thương sọ não nặng ngày thứ 5. Sau những nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Với tấm lòng nhân đạo thiện nguyện, đại diện gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác. 

Nhận được thông tin, chiều 27/11/2024, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngay lập tức cử các chuyên gia hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quân y 103 để xây dựng kế hoạch lấy-ghép đa mô, tạng bảo đảm an toàn, chặt chẽ, khoa học và tuân thủ đúng các quy định chuyên môn.

Sau hơn 1 giờ hội chẩn, đoàn chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã gấp rút có mặt tại bệnh viện Quân y 103. Trong ca ghép đa tạng lần này, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giúp đỡ về nhân lực và các trang thiết bị y tế. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ lấy tim, phổi, gan, 2 thận và 2 giác mạc từ người hiến chết não, đồng thời tham gia chuyển giao kỹ thuật ghép gan trực tiếp và hỗ trợ hồi sức sau mổ tại Bệnh viện Quân y 103.  

Sau ca ghép đa tạng, các bệnh nhân nhận tạng đang có những tiến triển tốt. Đối với ca ghép gan, bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản và có thể nói chuyện bình thường ngay sau ca mổ. Đây là ca ghép gan thứ 3 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ trong hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép gan với Bệnh viện Quân y 103 đã ký đầu năm 2024. Ca ghép đầu tiên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ là ca ghép từ người cho sống diễn ra vào ngày 04/07/2024. Ca ghép gan thành công chính là kết quả của quá trình chuyên giao, sự phối hợp nhịp nhàng nhanh chóng kịp thời giữa 2 bệnh viện. 

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không ngừng đẩy mạnh ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, luôn giữ vững vị thế của một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao. 

Trong năm 2024, Bệnh viện đã thực hiện ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho 4 cơ sở y tế. 

Tính đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện gần 250 ca ghép gan, gần 500 ca ghép thận, 2 ca ghép tim, 4 ca ghép phổi và 4 ca ghép chi. Bệnh viện đã trở thành trung tâm ghép gan số 1 Việt Nam và Đông Nam Á. Với số lượng ghép 50 ca/năm, phấn đấu đạt 100 ca/năm trong giai đoạn tới cho thấy trình độ, kinh nghiệm, năng lực ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vươn tầm quốc tế. 

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai hỗ trợ, hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Quân y 103…; chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Quân y 175, điều phối ghép phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế… 

Sự hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép tạng của Bẹnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.

BT (TTXVN)
Ghép tạng từ người cho chết não giúp hồi sinh 4 cuộc đời
Ghép tạng từ người cho chết não giúp hồi sinh 4 cuộc đời

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ca phẫu thuật lấy tạng của người hiến sau khi chết não và ghép 2 thận cho 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện. Các tạng còn lại gồm tim và gan được chuyển đến ghép cho 2 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN