Hàng trăm trẻ chờ ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 nỗ lực đẩy nhanh tốc độ ghép

Ngày 17/10, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây, bệnh viện chỉ thực hiện 1 - 2 ca ghép tạng/ tháng, tuy nhiên, hiện số lượng ca ghép tạng đã tăng lên rất nhiều. Đặc biệt gần đây, lần đầu tiên bệnh viện đã thực hiện 3 ca ghép gan chỉ trong một tuần và đây là số lượng ca ghép kỷ lục.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan mật tụy - Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, kể từ khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng, trong 3 năm (2021 - 2024), bệnh viện đã tăng số ca ghép gan lên 28 ca, cao gấp đôi so với 15 năm trước đó (2005 - 2020). Hiện trung bình mỗi năm, bệnh viện ghép được từ 10 - 14 ca và đến nay đã thực hiện được 42 ca ghép gan.

Chú thích ảnh
Chỉ trong vòng 4 ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện liên tục 3 ca ghép gan. Ảnh: BV

“Nhu cầu chờ ghép gan ở trẻ rất cao. Hiện bệnh viện đang có hơn 100 bệnh nhi có chỉ định chờ ghép gan. Đáng lưu ý, mỗi tháng có 2 trẻ tử vong trong thời gian chờ được ghép gan. Do đó, các bác sĩ luôn nỗ lực tăng tốc độ ghép”, bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh chia sẻ.

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan mật tụy - Ghép gan cho biết, chỉ trong vòng 4 ngày (26 - 30/8/2024) bệnh viện đã thực hiện ghép gan cho 3 trường hợp. 

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi 7 tuổi quê Bình Dương được phẫu thuật ngày 26/8. Trước ghép, trẻ được chẩn đoán xơ gan, tăng áp cửa, teo đường mật (đã phẫu thuật Kasai).

Trường hợp thứ hai là bé trai 2 tuổi quê Hậu Giang bị chậm tăng trưởng, suy gan, vàng da sậm, xuất huyết tiêu hóa, có chỉ định ghép gan. Chẩn đoán trước mổ của bệnh nhi là xơ gan, tăng áp cửa, đã phẫu thuật Kasai vì teo đường mật bẩm sinh.

Đến ngày 30/8, các bác sĩ tiếp tục ghép gan cho bé hơn 3 tuổi quê Gia Lai. Trước đó, bệnh nhi chậm tăng trưởng, xuất huyết tiêu hóa rất nhiều lần, chẩn đoán trước ghép là xơ gan, tăng áp cửa, teo đường mật.

“Một tuần thực hiện phẫu thuật cho 3 ca là sự cố gắng rất lớn của bệnh viện vì phải chuẩn bị nhiều nhân sự, phòng ốc, trang thiết bị, thậm chí khâu hậu phẫu cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức của đội ngũ y, bác sĩ. Dự kiến, tháng 11/2024, bệnh viện sẽ ghép 4 ca. Năm sau, nếu trung tâm ghép tạng được khánh thành và đi vào hoạt động thì nhiều bệnh nhi sẽ được ghép tạng hơn, đáp ứng được phần lớn nhu cầu ghép tạng của trẻ ở khu vực phía Nam”, bác sĩ Trần Thanh Trí chia sẻ.

Theo bác sĩ Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, khó khăn lớn nhất trong ghép tạng hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng hiến. Hiện tại Việt Nam đã có luật về người cho chết não là người lớn, nhưng chưa có quy định về nguồn tạng hiến từ người cho chết não là trẻ em. Theo đó, nếu nguồn hiến phong phú, bảo hiểm y tế chấp nhận chi trả tất cả chi phí liên quan đến ghép tạng thì công tác ghép tạng mới càng phát triển từ đó nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống.

Theo các bác sĩ, chi phí một ca ghép gan tại bệnh viện sau khi trừ bảo hiểm y tế, dao động khoảng 300 - 500 triệu đồng.

Đan Phương/Báo Tin tức
Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm gần 500 thuốc nước ngoài
Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm gần 500 thuốc nước ngoài

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết vừa cấp mới, gia hạn gần 500 thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu sử dụng thuốc, phòng, chống dịch của nhân dân, cơ sở khám chữa bệnh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN