Sau 18 năm ròng rã, tưởng chừng đã rơi vào tuyệt vọng, thế nhưng, vào tháng 7/2024, chị Đ.T.H (sinh năm 1979, tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu được làm mẹ ở tuổi 45. Chị H chia sẻ, hai vợ chồng chị kết hôn năm 2005. Sau nhiều năm mong đợi nhưng không có tin vui, năm 2020, anh chị quyết định thực hiện IVF tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thất bại.
Nhiều lần thất bại, tháng 4/2023, anh chị đến Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Trải qua các lần chuyển phôi, mỗi lần đều là thử thách về tinh thần và thể chất đối với chị. Đến lần chuyển phôi thứ ba, lời nguyện cầu suốt mười mấy năm đã thành hiện thực, chị H mang thai.
“Niềm vui xen lẫn sự lo lắng vì tuổi đã cao nên hành trình mang thai không dễ dàng. Tôi đã trải qua rất nhiều lần kiểm tra và chăm sóc đặc biệt. Nhưng từng bước một, với sự hỗ trợ của các bác sỹ và lòng tin vào điều kỳ diệu, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua. Thời khắc đón con yêu là khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa tôi không bao giờ quên được”, chị H chia sẻ.
Chị H là một trong số hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn được đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột "gieo những hạt mầm" hạnh phúc. Theo Thạc sỹ, bác sỹ Lê Huy Khải, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột, đơn vị đi vào hoạt động từ tháng 3/2022.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm khoảng 7,7%. Ước tính tại các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 420.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, riêng Đắk Lắk có 146.000 cặp. Để đáp ứng nhu cầu đó, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột kết hợp hệ thống Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tạo nên Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột.
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột đặt tại Đắk Lắk, phần nào giải quyết khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, giúp bệnh nhân thoải mái tâm lý, hai vợ chồng đều có điều kiện đến khám bệnh, chi phí giảm hơn so với đi xa... Hiện, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm tại đơn vị khoảng 80-120 triệu đồng. Sau gần 3 năm hoạt động, đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột tiếp nhận và thăm khám cho hàng nghìn cặp vợ chồng; có gần 500 sản phụ mang thai. Trong đó, có khoảng 290 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Tây Nguyên.
“Khi bệnh nhân đến đây mỗi người một câu chuyện khác nhau. Các bác sỹ luôn đồng hành cùng gia đình đến khi có em bé là điều rất kỳ diệu, hạnh phúc. Tôi may mắn khi được chứng kiến nhiều mảnh đời như vậy. Niềm vui ở đây không chỉ ở hai vợ chồng mà là niềm vui chung của họ hàng, gia đình, làng xóm. Đây là điều rất tự hào, do đó, anh em tại đơn vị luôn nhìn vào những điều tích cực để đồng hành cùng bệnh nhân, chia sẻ với họ nhiều hơn”, bác sỹ Khải chia sẻ.
Theo bác sỹ Lê Huy Khải, hiện nay, nhóm bị hiếm muộn khá nhiều, tập trung ở độ tuổi từ 25 - 35, đa phần bị suy giảm dự trữ buồng trứng. Nguyên nhân do chế độ ăn uống, sinh hoạt, tâm lý lo sự nghiệp chưa muốn có con... Đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, khi đến bệnh viện được thăm khám, tư vấn, làm xét nghiệm cơ bản, tùy thuộc tình trạng của bệnh nhân, các bác sỹ có phác đồ điều trị khác nhau.
Trung tâm thuộc hệ thống IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức, do đó, các bác sỹ được đào tạo trực tiếp từ cơ bản đến nâng cao tại Bệnh viện Mỹ Đức. Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển giao công nghệ, các bác sỹ từ Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ trực tiếp kỹ thuật sinh sản hiện đại. Giai đoạn đầu những ca khó được hỗ trợ trao đổi, hội chẩn hằng ngày. Máy móc, trang thiết bị được đầu tư ngay từ đầu nên đồng bộ theo chuẩn, hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ đậu thai tại đơn vị trung bình khoảng 55 - 67%. Đây là tỷ lệ rất cao, bác sỹ Khải thông tin.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát huy thế mạnh đang có, hoàn thiện thêm quy trình, chuyên môn, kỹ năng lâm sàng, thủ thuật cho các bác sỹ. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo cho bác sỹ trẻ làm sao đáp ứng nhu cầu người bệnh; tiếp tục triển khai dịch vụ mới như ngân hàng tinh trùng, kỹ thuật chọc hút trứng non... nhằm đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân đỡ phải di chuyển các tỉnh, thành phố khác để điều trị.
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, bên cạnh chăm sóc, điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, từ năm 2023, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã góp mặt trong chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”.
“Ươm mầm hạnh phúc” là chương trình làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được. Đây là chuỗi chương trình được khởi xướng bởi Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (cố vấn cấp cao Bệnh viện Mỹ Đức).
Từ năm 2014 đến nay, “Ươm mầm hạnh phúc" trải qua 10 mùa ươm mầm thành công, cùng đồng hành với gần 600 cặp vợ chồng mong con có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ chạm đến ước mơ gia đình hạnh phúc.
Năm 2023, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột chính thức góp mặt trong chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” mùa thứ 10. Đến nay, tại đơn vị đã có 7 trường hợp được điều trị thành công với tổng chi phí hỗ trợ lên tới hơn 1,1 tỷ đồng, đặc biệt, có 3 em bé chào đời khỏe mạnh.
Vợ chồng chị P.T.K.L (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) trải qua hành trình “tìm con” suốt 8 năm. Tin vui đã "gõ cửa" khi chị L được đồng hành cùng chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.
“Được nhìn thấy con ngoài đời thực là một cảm giác khó tả. Một phôi bé nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nay đã lớn như thế này rồi. Ôm con mà bản thân tự hứa sẽ chăm sóc, bảo vệ con suốt cuộc đời này”, chị L chia sẻ.
Năm 2024, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tiếp tục tham gia chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” mùa thứ 11. Năm nay, tiếp tục có 10 cặp vợ chồng hiếm muộn được khám và điều trị miễn phí tại đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột, toàn bộ chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm sẽ do bệnh viện chi trả.