Khoảng đầu tháng 2/2020, những ca bệnh COVID-19 đầu tiên trong nước đã được ghi nhận. Những người mắc bệnh tại Hà Nội được đưa lên xe khử khuẩn, chuyển về điều trị riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nhắc đến SARS-CoV-2, ai ai cũng hãi hùng với dịch bệnh lạ và nguy hiểm này.
Sau rất nhiều cân nhắc, dặn dò về bảo đảm sức khoẻ, an toàn, Ban biên tập báo Tin tức đã đồng ý cho tôi được “xông pha” vào tâm dịch, như nguyện vọng có phần “liều lĩnh” của tôi. Khi ấy, là phóng viên theo dõi mảng y tế, tôi như bị thôi thúc bởi ý nghĩ: Không thể “đứng từ xa” để phản ánh tình hình dịch bệnh cũng như những nỗ lực của cán bộ ngành y.
Những ngày “rất nóng” ấy, để liên hệ được với các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân không phải dễ dàng. Tôi vẫn nhớ cuộc điện thoại gọi Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, khi đó là Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đề nghị được tiếp cận, phản ánh về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Đang tất bật với công việc, Bác sĩ chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Hẹn em khoảng 11 giờ trưa tại cơ sở 2 của bệnh viện nhé!”.
Khoa Cấp cứu của Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội, cách khá xa trung tâm thành phố. Nơi đây, những ngày này không chỉ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 mà còn tiếp nhận khám sàng lọc những người trở về vùng dịch, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, có nguy cơ lây nhiễm…
Vào tâm dịch, tôi cũng hồi hộp, chuẩn bị đủ thứ bảo hộ để phòng tránh lây nhiễm, đeo tới 2 khẩu trang và “thủ” sẵn chai cồn sát khuẩn trong túi áo khoác. Sẵn sàng là thế, vậy mà khi nhìn thấy tấm biển “Khu cách ly đặc biệt”, tôi suýt khựng lại, lo sợ. Hiểu tâm lý của tôi, bác sĩ bông đùa: “Nếu không sợ thì hãy vào đây với chúng tôi nào”, làm tôi bật cười, vững dạ hơn.
Cuộc gặp diễn ra khá nhanh ngay phía bên ngoài phòng áp lực âm của khu cách ly đặc biệt - nơi các bệnh nhân đang vật lộn với những triệu trứng nguy hiểm của căn bệnh. Các bác sĩ phân công ca để theo dõi 24/24 giờ từng nhịp thở của người bệnh, quan sát tình hình qua camera, mỗi khi vào/ra để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tuân theo quy trình khử trùng tuyệt đối.
Tận mắt chứng kiến cảnh các y, bác sĩ trong ca trực với bộ phòng hộ kín mít, chỉ nhìn thấy đôi mắt qua lớp kính thi thoảng lại mờ hơi nước, chốc chốc như muốn đưa tay lau mồ hôi vì nóng bức, chúng tôi vô cùng cảm phục. Từ đầu mùa dịch họ đã vất vả như thế, nhưng khi tháo bộ phòng hộ ra, vẫn là nụ cười trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, chẳng ai than vãn nửa lời… Bởi vậy, cho đến sau này, khi nghe thông tin bác sĩ đầu tiên của khoa Cấp cứu bị lây nhiễm từ bệnh nhân, tôi lại nhớ những giọt mồ hôi, nụ cười ấy mà xót xa, thấp thỏm…
Xong cuộc phỏng vấn đầu tiên, tôi ra về, lòng nhiều cảm xúc. Vừa hiểu thêm về công việc của các chiến sĩ ngành y nơi tuyến đầu phòng dịch, tôi vừa cảm nhận được trực tiếp tình hình bệnh nhân đang điều trị. Có chút lo lắng khi vừa đi từ vùng nguy cơ ra nhưng lại âm ỉ vui vì đã có trong tay “kha khá” tư liệu cho một bài viết sắp ra đời. Tôi đã thức suốt đêm đó để hoàn thiện bài viết “Chuyện của các y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với nCoV”. Tôi cố gắng trình bày thật đẹp, như món quà ân tình dành cho các y bác sĩ. Ngay sau khi có bản thảo của tôi, các khâu biên tập, hiệu đính, trình bày, xuất bản của toàn toà soạn cũng “căng mình” cùng với phóng viên, để bài viết được hoàn thiện nhanh nhất, lên trang báo sớm nhất, thông tin chính xác và tác động mạnh nhất tới người đọc, là sự tri ân, là lời động viên những chiến sĩ áo trắng và những bệnh nhân đang chiến đấu chống lại dịch bệnh nguy hiểm.
Bài viết về điểm nóng dịch bệnh của tôi nhận được đánh giá cao từ Ban biên tập báo Tin tức và cơ quan TTXVN. Hết đợt dich thứ nhất, tôi đã vinh dự được nhận khen thưởng của cơ quan về thành tích tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19.
Sau chuyến xông pha đầu tiên vào tâm dịch, tôi vững vàng hơn, có thêm kinh nghiệm tác nghiệp, tự tin tiếp tục xâm nhập thực tế, thực hiện các bài viết về phòng chống dịch bệnh.
Giai đoạn sau đó, khi dịch bệnh tràn vào trong nước, số ca lây nhiễm tăng nhanh, phóng viên như được “thả” giữa biển thông tin. Khi đó, dịch bệnh với tôi đã chẳng còn là thứ gì đáng sợ hãi; thứ làm cho tôi căng thẳng là phải đối mặt với áp lực lớn từ công việc. Ban đầu, thông tin về ca nhiễm, về các ổ dịch chưa thống nhất, các phóng viên y tế phải làm việc không kể ngày đêm. Để không bỏ sót, hay bị chậm thông tin từ các nguồn, điện thoại của tôi lúc nào cũng sáng liên tục. Máy tính của tôi gần như không tắt trong suốt thời gian dài, trong giấc ngủ chập chờn cũng vẫn ôm máy tính. Có những đêm chúng tôi không ai dám ngủ vì chờ thông tin để update. Phóng viên thức, lãnh đạo phòng, Ban biên tập cũng “nhấp nhổm” thức cùng để kịp thời xử lý thông tin.
Dần dần, số ca bệnh lên đến hàng trăm, rồi hàng nghìn mỗi ngày, tôi liên tục phải đến những vùng nguy cơ cao để tác nghiệp như: Vào khu xét nghiệm người nghi nhiễm, đến các khu khám sàng lọc, cách ly của các bệnh viện… Đi nhiều, ít ngủ, lúc nào cũng trong tâm trạng chờ đợi các thông tin nóng…, đồng thời cũng canh cánh ý thức phải bảo toàn sức khoẻ, không được nhiễm bệnh và không được trở thành “nguồn lây” về cho đồng nghiệp tại trụ sở và người thân trong gia đình, tôi khá căng thẳng. Tuy nhiên, như có sức mạnh thần kỳ nào đó đã giúp tôi “bám trụ” suốt thời gian dài, vượt qua hết những lần đỉnh dịch.
Đồng hành cùng những vất vả của phóng viên là sự sát cánh, sát sao thông tin của lãnh đạo báo Tin tức. Anh em phóng viên vào tâm dịch tác nghiệp được toà soạn trang bị đầy đủ từ chiếc khẩu trang, quần áo bảo hộ, mặt nạ phòng độc… để bảo đảm an toàn. Ban biên tập cũng rất tâm lý với những khó khăn của phóng viên, vận dụng mọi cơ chế để hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất cho cán bộ, phóng viên, nhất là những người trực tiếp tác nghiệp hiện trường nguy hiểm và những người mắc bệnh. Sự quan tâm, động viên ấy khiến chúng tôi hoàn toàn yên tâm để “chiến đấu”.
Những ngày chống dịch COVID-19, chuyên mục Y tế trên báo Tin tức nóng hơn bao giờ hết với thông tin được cập nhật liên tục. Thông tin về các ca nhiễm, ổ dịch mới, thông tin về công tác chống dịch của ngành y tế và các địa phương; các bài viết phỏng vấn chuyên gia, nhận định, dự báo tình hình dịch; các bài viết ghi nhận trong tâm dịch; chân dung các chiến sĩ áo trắng, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch… Không khí, toàn cảnh những ngày toàn dân cùng đồng lòng chống dịch được phản ánh dày dặn, đa chiều với lượng bạn đọc quan tâm rất lớn. Và tôi cũng rất tự hào được đóng góp trong giai đoạn đó. Những nỗ lực, những trải nghiệm trong giai đoạn khó quên ấy thực sự đã cho tôi trưởng thành trong nghề nghiệp.