May mắn được làm phóng viên thời khắc 'nhân hòa'

“Sự đồng lòng đã cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh. Về nghề nghiệp mà nói, đây là sự may mắn lớn lao”, nhà báo Thao Lan trải lòng về những năm tháng đóng góp sức mình ở Tuần Tin tức.

Chú thích ảnh
Phóng viên Thao Lan những ngày còn công tác tại báo Tin tức. Ảnh: NVCC

Trước khi được gọi vào khóa đào tạo GP10 năm 1972 của Thông tấn xã Việt Nam, tôi thực sự không biết gì về cơ quan truyền thông top đầu của Nhà nước. Nhưng tôi giống như rất nhiều bạn cùng khóa đã trọn đời công chức tại đây, nhờ đó tận hưởng những may mắn không phải các thế hệ phóng viên nào cũng có.

Về thời vận của đất nước, chúng tôi được chứng kiến, đóng góp và được sống trong âm hưởng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày kết thúc chiến tranh khốc liệt, đất nước hòa bình thống nhất. Không lâu sau đó đã phải chứng kiến 2 cuộc xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc. Tần suất chiến tranh dày đặc cùng với hậu quả cấm vận của Hoa Kỳ, phương Tây, sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa, đã khiến cho nền kinh tế đất nước rớt xuống nấc thang gian khó cuối cùng.

Nhưng đó là một giai đoạn lịch sử mà từ người dân đến lãnh tụ của đất nước cùng đồng lòng để chiến thắng giặc ngoại xâm, chiến thắng đói nghèo. Sự đồng lòng này khiến cho người Việt nói chung, người hành nghề truyền thông nói riêng đều thấy an lòng. Với tôi đó là may mắn lớn nhất.

Về bối cảnh nghề nghiệp, chúng tôi cũng may được tận hưởng vị thế “ngân hàng tin tức” của Thông tấn xã Việt Nam trong hệ thống truyền thông của cả nước. Khi đó các cơ quan truyền thông ngóng chờ bản tin chính thống của Nhà nước phát đi từ Thông tấn xã. Để rồi trên các mặt báo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam đầy ắp các tin bài chỉ với 1 cái tên TTXVN. Chúng tôi khi đó hiểu rằng mỗi tin bài mình viết đều nhân danh TTXVN; mọi hành vi nghề nghiệp của mình cũng thuộc về TTXVN.

Nhưng khi công cuộc đổi mới  truyền thông xuất hiện, cơ quan báo chí đều bình đẳng trước các nguồn tin, không còn khái niệm báo lớn báo bé, Thông tấn xã Việt Nam phải cạnh tranh để có được tin nhanh, tin đúng, tin sắc sảo; phải cạnh tranh để chủ động đưa thông tin của mình đến với bạn đọc. Cũng nhờ đó, Tuần tin tức ra đời như là một tất yếu. Đây cũng là niềm khát khao của những người làm báo thông tấn. Kể từ đó, chúng tôi không còn phải giải thích với cơ sở rằng “TTXVN trên các báo đài là của em” hoặc phải gửi bản tin trong nước để minh chứng với cơ sở rằng mình đã viết về họ.

Chú thích ảnh
Phóng viên Thao Lan (ngoài cùng bên trái) vinh dự cùng nhóm phóng viên quân đội tại TTXVN đi tác nghiệp tại miền Nam ngay sau ngày 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Dù là tờ báo viết ra đời muộn màng, nhưng Tuần tin tức ngay khi còn là khổ nhỏ khiêm tốn đã sớm được bạn đọc biết đến nhờ đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, động chạm tới các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, các ngành nghề khó như kiểm sát, công an, tòa án.

Có được ánh hào quang này, là sự đồng lòng dám “đương đầu” để nhìn thẳng vào sự thật từ Tổng giám đốc TTXVN, tổng biên tập tới phóng viên tòa soạn. Sự đồng lòng đó đã cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh. Về nghề nghiệp mà nói, đây là sự may mắn lớn lao. Nó giúp tôi dù không thuộc nhóm các anh chuyên tham gia các vụ chống tiêu cực lớn như Thơ Linh Cơ (Vũ Tâm) cũng đủ lòng tin, kiên nhẫn trong nhiều năm trời viết bài hỗ trợ chị Hoàng Thị Hoan sống tại Thừa Thiên - Huế ngày đó đi đòi lại công lý sau khi mãn hạn tù oan trái.

Chị đã cầm các tờ báo của Tuần Tin tức đi gõ cửa cơ quan công quyền, buộc các cơ quan này phải mở lại phiên tòa để chị tự chứng minh mình vô tội, buộc cơ quan địa phương phải trả lại tài sản bị tịch thu cùng các thiệt hại mất việc làm do án oan gây ra. Đó là người đàn bà đầy nghị lực. Kết cục có hậu của chị vào thời điểm đó không phải là điều dễ dàng. Nó khiến tôi hiểu rằng, nếu mình hết lòng trong công việc, sẽ giúp được cả những người thân cô, thế cô chỉ biết nương tựa vào công luận, công lý để bảo vệ mình.

Ngày 1/8/1993, tôi nhận nhiệm vụ tại tòa soạn. Anh Trần Mai Hạnh, Tổng biên tập giao cho tôi chuyên viết các bài biểu dương các nỗ lực tái thiết đất nước. Đây là cơ hội để tôi được đến các công trình thủy điện lớn nhất đất nước lúc bấy giờ là Sông Đà, Yaly, Thác Mơ,  Sơn La, Điện đạm Phú Mỹ, cải tạo mở rộng nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hà Tiên, Kiên Lương, xây mới xi măng Hoàng Thạch, các khu công nghiệp mới trên đất Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…

Các chuyến đi giúp tôi tiếp cận với những con người chỉ biết có công trình. “Vinh quang thay những người làm thủy điện” là lời hiệu triệu một thời của Tổng công ty Sông Đà; tổng thầu EPC là giấc mơ của Tổng công ty lắp máy; biết cả bến sông nổi tiếng của người lái đò trên sông Pô Kô, mảnh đất của tiếng đàn Ta Lư… Những con người, mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp, niềm tin yêu cuộc sống cho tôi. 

 

Thao Lan
Báo Tin tức - Người bạn tin cậy với lực lượng vũ trang
Báo Tin tức - Người bạn tin cậy với lực lượng vũ trang

“Hai tháng trực trên biển, điện thoại sẽ không có sóng nên anh em trên tàu sẽ thiếu thông tin. Nay được phóng viên báo Tin tức đi theo đoàn công tác tặng báo nên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển rất vui”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN