Xây dựng nền móng cho hoạt động Hội Nữ trí thức Việt Nam

Ngày 3/7, Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016- 2021 đã diễn ra tại Hà Nội.

Đại hội đã tiến hành tổng kết hoạt động của hội trong nhiệm kỳ 1 (2011- 2016), thông qua phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2 và bầu BCH nhiệm kỳ mới gồm 55 thành viên. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội. TS Phạm Thị Mỵ là Phó Chủ tịch Hội.

Đại hội đại biểu lần thứ 2 của Hội Nữ trí thức Việt Nam đã diễn ra tốt đẹp.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội nữ trí thức Việt Nam là tập trung vào việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội vững mạnh, thu hút hội viên tham gia ngày càng đông đảo. Từ số hội viên ban đầu là 350, chưa có hội thành viên, sau 5 năm, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có 3 hội thành viên tại Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, 19 chi hội trực thuộc với hơn 2.700 hội viên.


Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động hiệu quả theo đúng Nghị quyết của Đại hội 1 đề ra như: Bảo vệ các quyền hợp pháp về nghề nghiệp và hoạt động sáng tạo của hội viên, thành lập được 2 trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho hội viên tham gia thực hiện các đề tài, dự án, đề án, nhiều hội viên và tập thể hội viên đã được nhận những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam...; đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn và phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chính sách về lao động nữ của Đảng và Nhà nước...


Bên cạnh đó, các hội viên cũng tích cực tham gia, đóng góp ủng hộ các hoạt động xã hội như các chương trình “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, “Chung sức vì biển đảo quê hương”...


Phát biểu tại đại hội, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá: “Tuy giai đoạn đầu còn mới mẻ, non trẻ nhưng những kết quả đã đạt được có thể coi là những thử nghiệm ban đầu về mô hình hoạt động của hội. Trong 5 năm tới, hội sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hoạt động, tích cực phát triển hội viên ở các tỉnh, thành; thành lập các trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển năng lực cho các nữ nhà khoa học trẻ; tăng cường chức năng tư vấn, phản biện xã hội; đặc biệt là tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội ...”

Đại hội ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (2016- 2021).

Biểu dương những thành tích của Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ qua, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Với những gì đã làm được, nhiệm kỳ tới, chắc chắn Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra. Với số lượng hội viên đông đảo, phong phú ở các ngành nghề và lĩnh vực, tôi mong muốn thời gian tới, hội sẽ tham gia tích cực hơn nữa và đóng góp tiếng nói vào việc hoàn thiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, sắp tới là sửa đổi luật Lao động, luật Dân số... đồng thời có tiếng nói về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách để trình Quốc hội".


Trong chương trình, Hội Nữ trí thức Việt Nam cũng đã vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng bằng khen cho những đóng góp của hội trong thời gian qua.


Ban Chấp hành mới của Hội Nữ trí thức Việt Nam cũng kỳ vọng, trong 5 năm tới sẽ tăng số lượng hội viên lên 25%, đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh các nữ trí thức tài năng, sáng tạo; đóng góp ý kiến về các chính sách kinh tế, xã hội và bảo vệ quyền lợi của nữ trí thức, phụ nữ Việt Nam trong xã hội.

PV
Tạo ngôi nhà chung cho nữ trí thức
Tạo ngôi nhà chung cho nữ trí thức

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ 2 nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra trong 2 ngày 2-3/7 tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN