Đồng chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Tham dự còn có các đại biểu của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các nhà khoa học.
Tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn địa phương và Nghị quyết lần thứ XVII Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo cung cấp những luận cứ về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn; từ đó, góp ý, tư vấn để quá trình xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc đạt mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề mô hình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; đề xuất cơ chế, chính sách và những giải pháp mang tính đột phá để việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đạt được mục tiêu; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng “Làng mới” ở các nước tiên tiến trong khu vực, cũng như những cách làm hay, sáng tạo của các nơi khác.
Hội thảo có 30 bài viết của các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, cán bộ làm công tác thực tiễn tại các ngành tập trung vào khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn; kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa ở Hàn Quốc và những gợi mở ở Việt Nam trong xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" tại Vĩnh Phúc hiện nay...
Các đại biểu đã đề cập đế các khía cạnh cơ bản như: Việc xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những tác động của quá trình chuyển đổi mô hình xã hội; quá trình hội nhập toàn cầu.
Các đại biểu mong muốn, Vĩnh Phúc xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" cần coi trọng những nét riêng, giá trị phù hợp với vùng miền, dân tộc, phong tục…; tránh tình trạng “rập khuôn”, “đồng phục”, làng nào cũng giống nhau. Việc xây dựng mô hình này cần xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội… Các ý kiến và các bài viết tại Hội thảo được xem là những gợi mở, giải pháp bổ sung để Vĩnh Phúc hoàn thiện bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu".
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, Hội thảo đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" với những đặc trưng cơ bản. Đó là có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Hội thảo bước đầu làm rõ thực chất nội dung chủ yếu, các nguyên tắc và cách thức tổ chức, vận hành mô hình này. Những thành quả bước đầu cho thấy, việc xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" của Vĩnh Phúc là chủ trương đúng, kịp thời, thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, cụ thể hóa chủ trương và đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Năm 2022, Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng thí điểm "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 10/28 khu thiết chế văn hóa, thể thao "Làng văn hóa kiểu mẫu" được đưa vào sử dụng, góp phần mở ra không gian văn hóa khang trang, hiện đại với đầy đủ các công năng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân và đang được người dân ở các địa phương trong tỉnh hưởng ứng.
Đến hết năm 2030, tỉnh phấn đấu có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành. Các "Làng văn hóa kiểu mẫu" có các đặc trưng cơ bản: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống...