Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Ngày 31/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị trong việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, việc xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng, xây dựng khu dân cư văn hóa, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trong các thôn, làng, tổ dân phố; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản xuất, tiêu dùng hàng hóa địa phương. Qua đó, cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm tại 28 thôn, tổ dân phố. Mỗi huyện, thành phố triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình, ưu tiên những thôn có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục tiêu, ý nghĩa của Đề án để người dân được biết, bàn bạc, ủng hộ, hưởng ứng; tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa trong nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia các nội dung của Đề án. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” các cấp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí với nội dung Đề án, khẳng định đây là tư duy đổi mới của lãnh đạo tỉnh; đồng thời đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân, nhất là những địa phương được thực hiện thí điểm mô hình; huy động sự đồng lòng tham gia của các tổ chức đoàn thể, hội viên, đoàn viên; công khai quy hoạch mô hình thí điểm theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, văn minh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...

Nhiều đại biểu đề nghị, tỉnh cần nghiên cứu để kết nối các công trình làng văn hóa và khu di tích lịch sử ở xa nhau; tìm giải pháp để thực hiện Đề án có tính khả thi cao. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn tín dụng xây dựng làng văn hóa trọng điểm; quan tâm, bảo tồn các giá trị về văn hóa, gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Vĩnh Phúc hiện có 1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 100%); trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định (diện tích đảm bảo từ 500 m2 trở lên, có các công trình như: nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động đảm bảo tiêu chí nông thôn mới). Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 (ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025) và Quyết định 319/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 (về việc quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025), cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện vẫn còn đơn diệu, chưa phát huy được công năng.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình văn hóa, thể thao chưa được xây dựng đồng bộ, liên hoàn, chưa có tính liên kết giữa các công trình. Nhiều nhà văn hóa thôn ít hoạt động, đóng cửa dài ngày; việc quản lý, khai thác chưa phát huy hiệu quả; trang thiết bị nhà văn hóa, dụng cụ thể dục thể thao chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là ở các thiết chế thể thao xã, thôn, tổ dân phố.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Xây dựng công trình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc
Xây dựng công trình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc

Ngày 31/1, tại thị trấn Gia Khánh, UBND huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) phát động xây dựng công trình Làng văn hóa kiểu mẫu và Tết trồng cây Xuân Quý Mão. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh tổ chức hai hoạt động ý nghĩa này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN