Video Làng văn hóa Lũng Cẩm của đồng bào Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn:
Từ bao đời nay, người dân ở Lũng Cẩm sinh sống bình yên trong thung lũng Sủng Là nguyên sơ, tươi đẹp.
Ông Sùng Mí Chứ - một người dân ở đây cho biết: Thôn Lũng Cẩm có kiến trúc nhà cửa mang đặc trưng truyền thống canh tác và phong tục tập quán của cộng đồng người Mông tiêu biểu cho văn hóa đồng bào Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn.
Những người cao niên ở Lũng Cẩm kể lại: Thời thuộc Pháp, người dân ở Lũng Cẩm chỉ canh tác một vụ, cây trồng chủ yếu là cây thuộc phiện và cây ngô. Vào thời đó, cây thuộc phiện là nguồn thu nhập chính của người dân và nơi này được biết đến như là một trong những thung lũng thuốc phiện nổi tiếng của cao nguyên đá Đồng Văn với nhà thu mua và kho chứa thuốc phiện của ông Mua Súa Páo.
Nhưng từ những năm 60 của thế kỳ XX trở lại đây, người dân ở Lũng Cẩm không trồng cây thuốc phiện nữa mà chỉ canh tác lúa, ngô, tam giác mạch, hoa, cây ăn quả và các loại rau, đậu…
Đặc biệt, những năm gần đây khi khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng đông thì người dân ở làng văn hóa Lũng Cẩm đã có thêm sinh kế mới, đó là trồng tam giác mạch, rau cải thành những vườn hoa để du khách thưởng ngoạn, tham quan, làm ra các sản phẩm mới từ cây lương thực này, như bánh tam giác mạch, rượu tam giác mạch…
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã và đang xây dựng Lũng Cẩm thành làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu - một điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến với công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.