Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ nhiều động vật hoang dã

Ngày 13/12, thông tin từ Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) cho biết, các cán bộ, nhân viên của vườn vừa phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cứu hộ thành công nhiều động vật quý hiếm từ 5 địa phương khác nhau trên cả nước. Đáng lưu ý, các động vật được cứu hộ đều có tên trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bảo hộ theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Chú thích ảnh
Một con tê tê được cứu hộ thành công. 

Cụ thể, trong 4 ngày, từ 9 - 12/12, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã liên tục tiếp nhận cứu hộ 7 động vật hoang dã từ 5 tỉnh, thành phố khác nhau, gồm: 3 con rùa đầu to do Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) bàn giao; 1 con tê tê Java chuyển giao từ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum); 1 con tê tê Java do Hạt kiểm lâm Liên Chiểu (Đà Nẵng) tịch thu từ một vụ buôn bán trái phép trên địa bàn; 1 con khỉ do người dân tự nguyện giao nộp tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên); 1 con trăn đất do người dân bàn giao thông qua Hạt kiểm lâm thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình).

Hiện, các động vật trên đã được đưa về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) để chăm sóc, phục hồi tập tính với mục tiêu tái thả về môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất. Theo ghi nhận, 1 con tê tê có thể trạng yếu, lưỡi bị thương, vùng bụng bị rách. Con tê tê này đã được các bác sỹ thú y tiến hành gây mê, xử lý vết thương. Các động vật còn lại đều có sức khỏe ổn định.

Chú thích ảnh
Một con rùa được cứu hộ thành công. 

Ông Trịnh Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ cứu hộ, Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) cho biết: “Chỉ trong 4 ngày, các cán bộ, nhân viên của vườn đã phải đi đến 5 tỉnh, thành phố khác nhau trên khắp cả nước để cứu hộ những động vật này. Trong khi lực lượng tương đối mỏng, lại phải đi lại trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thể hiện sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cán bộ, nhân viên ngay sau khi nhận được thông tin có động vật hoang dã cần cứu hộ. Vườn quốc gia Cúc Phương mong muốn cộng đồng xã hội hãy thay đổi quan niệm, hành vi ứng xử với động vật hoang dã, để thiên nhiên giữ được sự cân bằng và vẻ đẹp vốn có”.

Tin, ảnh: Đức Phương (TTXVN)
Động vật hoang dã bên bờ vực tuyệt chủng
Động vật hoang dã bên bờ vực tuyệt chủng

Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong vòng 50 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%. Tại Việt Nam, nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức... Hơn lúc nào hết, thiên nhiên đang kêu cứu và cần có sự chung tay, nỗ lực vào cuộc của cả cộng đồng để bảo tồn động vật hoang dã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN