Chung tay phục hồi bản năng hoang dã
Hiện nay, Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn có khu vườn sưu tập thực vật với diện tích rừng gần 50 ha nên rất thuận lợi cho công tác chăn nuôi bán hoang dã một số loài động vật. Công tác trồng trọt được tiến hành song song với công tác chăn nuôi. Trung tâm đã thực hiện trồng bảo tồn chuối rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, một số loại cây làm thức ăn cho động vật. Các loài cây ăn trái như: chôm chôm, đu đủ, mít…; các loại cỏ, rau được trồng phục vụ cho việc chăn nuôi bán hoang dã, cung cấp bổ sung một phần giúp giảm chi phí mua thức ăn cho các loài động vật cứu hộ.
Theo anh Nguyễn Đức Trọng, nhân viên Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn, những cá thể động vật về đây hầu hết bị nuôi nhốt là tang vật của những vụ săn bắt và mua bán trái phép mà cơ quan chức năng thu giữ được. Có những cá thể động vật quý hiếm được người dân hiến tặng nhưng đã mất bản năng sinh tồn hoang dã, cần phải phục hồi bản năng cho chúng trước khi tái thả về tự nhiên.
“Nhiều động vật hoang dã sau khi cứu hộ đã trở về với thiên nhiên hoang dã tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Trong quá trình cứu hộ, các loài động vật đều được Trung tâm tận tình chăm sóc về dinh dưỡng, chuồng, trại, điều trị bệnh hoặc thực hiện các bước tập luyện phục hồi bản năng hoang dã cho những cá thể đã bị thuần hóa trong quá trình nuôi nhốt lâu dài”, anh Nguyễn Đức Trọng cho biết.
Mỗi một ngày, tại khu cứu hộ, không chỉ cán bộ, nhân viên, mà còn có tình nguyện viên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, vệ sinh chuồng, trại, bằng thuốc sát khuẩn, chăm sóc vườn cây trái và cho các loài động vật ăn uống để nhanh chóng phục hồi.
Trần Lê Ngọc Lâm, sinh viên của một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tình nguyện về Trung tâm để trải nghiệm công việc cứu hộ động vật hoang dã. Ngọc Lâm chia sẻ: "Với mong muốn trải nghiệm, giúp động vật hoang dã về với tự nhiên, tôi đã tình nguyện về đây. Công việc hàng ngày của tôi là cho động vật hoang dã ăn, dọn vệ sinh, kiểm tra phục hồi bản năng hoang dã... Dù công việc rất mới mẻ, nhưng việc được hỗ trợ chăm sóc, cứu hộ động vật đã giúp tôi thêm nhiều kiến thức thực tế. Qua công việc của mình, tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn trẻ cùng chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã".
Theo Trần Lê Ngọc Lâm, những động vật hoang dã được tái thả về môi trường tự nhiên hoặc nuôi suốt đời sẽ có cách ứng xử khác nhau. Những động vật bị khuyết các chi khó có thể tái thả cần chăm sóc nhẹ nhàng, thân thiện với con người hơn. Những động vật sẽ tái thả sẽ chăm sóc tạo khả năng sợ con người, khả năng sinh tồn hòa hợp với môi trường tự nhiên.
Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn Trần Văn Trưởng cho biết: "Những động vật hoang dã sau khi được tiếp nhận sẽ được bố trí chuồng, trại phù hợp với đặc điểm từng loài. Chúng tôi tập luyện phục hồi khả năng sinh tồn vào tự nhiên theo bản năng, tìm kiếm thức ăn, khả năng thích nghi với thức ăn trong tự nhiên. Đây là điều rất quan trọng để động vật về với tự nhiên. Sau quá trình tập luyện về bản năng động vật hoang dã, chúng tôi làm thủ tục đưa chúng về môi trường tự nhiên và theo dõi 15 ngày quá trình chúng thích nghi. Những cá thể chưa thích nghi sẽ được tiếp tục chăm sóc, theo dõi cho đến khi hòa nhập vào môi trường tự nhiên".
Lan tỏa hành động cứu hộ, bảo tồn
Công tác cứu hộ động vật hoang dã luôn được lãnh đạo Vườn Quốc gia Bù Gia Mập quan tâm. Động vật hoang dã được tiếp nhận một cách kịp thời từ nhiều nguồn khác nhau. Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn Trần Văn Trưởng cho biết, căn cứ điều kiện thực tế, được sự chỉ đạo từ lãnh đạo Vườn, Trung tâm đã tổ chức đi tiếp nhận động vật hoang dã từ nhiều tổ chức, cá nhân. Nguồn gốc của động vật thường là tang vật của các vụ vi phạm hoặc các cá nhân tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng.
Công tác cứu hộ động vật hoang dã của Vườn đã góp phần duy trì và nâng cao năng lực tiếp nhận cứu hộ động vật hoang dã trong khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Việc duy trì và mở rộng công tác này có ý nghĩa rất lớn đối với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và bảo tồn thiên nhiên nói chung.
Theo Tiến sĩ Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, những năm qua, nhiều cá nhân, đơn vị đã tìm đến Trung tâm để giao nộp nhiều loài động vật quý hiếm. Nhờ đó, nhiều nguồn gen quý hiếm đã được bảo tồn. Vườn rộng gần 26.000ha, hệ động, thực vật rừng rất đa dạng, phong phú, là nơi bảo tồn nhiều hệ động, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm.
Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận động vật để cứu hộ, giúp lan tỏa ý nghĩa công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm để tự nguyện bàn giao động vật. Ý nghĩa của công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã đã được cộng đồng biết đến và ghi nhận. Động vật hoang dã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ ngày một nhiều hơn.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tổng số động vật hoang dã là 428 cá thể, thuộc 30 loài khác nhau. Tổng số có 376 cá thể động vật được thả, 4 cá thể phải thu hồi để tiếp tục tập luyện. 50 cá thể đang nuôi cứu hộ.
Các trường hợp động vật hoang dã được người dân tự nguyện giao nộp để cứu hộ và tái thả về tự nhiên là việc làm hết sức cần thiết nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Bình Phước nói chung và ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nói riêng. Điều đó cho thấy nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, hiệu quả của công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã đã được lan tỏa nhiều hơn.