Thực hiện đề án thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt khai thác thủy sản xa bờ của Chính phủ, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) đã chủ động đóng mẫu 6 tàu cá vỏ sắt cho ngư dân các địa phương. Những chiếc đầu tiên được bàn giao cho ngư dân đã ra khơi và bước đầu cho thấy hiệu quả đánh bắt cao, đặc biệt là giúp ngư dân bám biển ở những ngư trường xa bờ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Hiện đại hóa đội tàu cá
Ông Vũ Ngọc Bính, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Đào (thuộc SBIC) cho biết, trong số 6 chiếc thuộc chương trình thí điểm, Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Đào được SBIC giao đóng 4 chiếc. Trong đó, 2 tàu đánh cá vỏ sắt lưới rê mang tên Hải Âu-01 và Hải Âu-02 đã lần lượt được bàn giao ngày 27/12/2013 và 18/4/2014 cho các ngư dân Phạm Văn Tuyên và Trần Văn Châu (cùng ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu).
Tàu đánh cá vỏ sắt do Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Đào (SBIC) đóng, bàn giao cho ngư dân huyện Hải Hậu. Ảnh: Hiền Hạnh - TTXVN |
Sự kiện này là dấu mốc quan trọng của SBIC và các đơn vị thành viên nhằm thực hiện đề án hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản thay thế hàng chục nghìn tàu cá vỏ gỗ thành vỏ sắt trên cả nước, đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng thủy sản và đặc biệt là đem lại sự an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên các ngư trường xa. Tàu có chiều dài 25,46 m, rộng 6,5 m, cao mạn 3,1 m, tốc độ tối đa ở chế độ chạy tự do trong điều kiện tiêu chuẩn là 10 hải lý/giờ. Tàu có kết cấu thân vỏ bền và an toàn hơn. Điều kiện sinh hoạt ăn ở cho thuyền viên tốt hơn. Các khoang chứa cá được thiết kế đúng quy chuẩn nên thời gian bảo quản được dài, mức tiêu hao nhiên liệu ít và thời gian đánh bắt trên biển cũng dài hơn. Tàu có đủ điều kiện phục vụ khoảng 8 ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngư trình tối đa đến 20 ngày. Ngư dân được thuê mua tàu trong 5 năm, với lãi suất ưu đãi.
Theo ông Bính, dự kiến 2 chiếc tiếp theo là tàu đánh cá lưới kéo vỏ sắt sẽ được Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Đào bàn giao cho ngư dân ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong tháng 7/2014.
Nâng cao hiệu quả đánh bắt
Để tìm hiểu khả năng hoạt động cũng như tính hiệu quả của chiếc tàu đầu tiên (Hải Âu-01) do ngư dân Phạm Văn Tuyên làm thuyền trưởng sau hơn 4 tháng tiếp nhận, chúng tôi tìm về xóm Trung Châu, xã Hải Chính, Hải Hậu vào một chiều tháng năm. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Xuân Kình (bố của anh Tuyên đồng thời là một cổ đông khai thác con tàu) cho biết, anh Tuyên không có nhà vì đang trên biển. Kể về con tàu mới, ông Kình hào hứng tâm sự: Tôi và con trai thứ hai là Tuyên, cùng với 4 người khác, mua chung tàu cá lưới rê vỏ sắt với giá khoảng 5 tỷ đồng (không bao gồm ngư cụ) theo phương thức trả góp trong 5 năm, với lãi suất 0%. Sau khi mua chúng tôi đầu tư thêm 3 tỷ đồng để trang bị lưới và các thiết bị khác như rada... và đến giữa tháng 1/2014 tàu ra khơi chuyến đầu tiên. Loại lưới sử dụng cho Hải Âu-01 của bố con ông Kình là lưới rê thưa, tức chỉ bắt cá thu và cá ngừ từ 5 kg trở lên, lưới có thể rải tới 8 hải lý trên biển.
Về những ưu điểm vượt trội so với tàu gỗ, ông Kình cho biết, mặc dù đắt hơn tàu gỗ khoảng 3 tỷ đồng nhưng tàu cá vỏ sắt bền hơn và có tuổi thọ gấp 3 lần (tới 30 năm). Với kinh nghiệm 28 năm làm thuyền trưởng, ông khẳng định tàu vỏ sắt chạy nhanh hơn, cơ động hơn, bền hơn tàu gỗ. Tàu có thể chịu được gió cấp 9 trong khi tàu gỗ chỉ chịu đến cấp 6. Nhờ các ưu thế nhanh, cơ động, chở được gấp đôi số lưới so với tàu gỗ, chịu được sóng gió ở cường độ lớn nên tàu cá vỏ sắt giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn trên các ngư trường xa bờ, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt, trong khi đó, chi phí giảm được tới 50%.
Tàu Hải Âu - 01 đang thực hiện chuyến ra khơi thứ tư tại các vùng biển xa bờ tới hơn 200 hải lý. Với mỗi chuyến đi biển khoảng 10 ngày, tàu cá vỏ sắt đánh bắt được hơn 1,2 tấn cá thu và cá ngừ, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Còn tàu vỏ gỗ có thời gian đi biển dài ngày hơn, lượng cá ít hơn, trong khi chi phí lại cao hơn, lên tới 50 triệu đồng/chuyến và lại không an toàn.
Trước những ưu điểm và tính hiệu quả của tàu đánh cá vỏ thép, theo ông Kình, Chính phủ nên mở rộng đề án hỗ trợ ngư dân thay thế tàu cá vỏ gỗ bằng vỏ sắt để giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn ở những ngư trường xa bờ một cách an toàn, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sự hiện diện của ngư dân tại những vùng lãnh hải ngoài khơi xa của Tổ quốc còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Nguyễn Trường