-Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về việc 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường với lý do nêu trên?
+Theo tôi, cách hành xử như thế thể hiện sự nóng vội và chưa đủ cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để thuyết phục dư luận xã hội. Đặc biệt là các học sinh bị kỷ luật khó mà “tâm phục, khẩu phục”, chưa nói đến phản tác dụng. Hình phạt quá hà khắc, chưa hợp tình hợp lý, không những không có tác dụng răn đe mà còn tạo ra “tác dụng phụ” là tâm lý bất an, thiếu tin tưởng vào sự minh bạch, công tâm của Ban giám hiệu (BGH) trong học sinh. Đặc biệt là nó để lại “vết sẹo” tâm lý đối với các em học sinh thuộc diện bị kỷ luật.
Học sinh Trung học phổ thông (THPT) đang ở lứa tuổi vị thành niên, nên ngay cả khi có trót mắc lỗi thì nhà trường cũng cần có những động thái sáng suốt nhằm tạo cơ hội cho các em nhận thức và sửa sai để trở nên con người tốt hơn. Ở đây có một số vấn đề đặt ra, thứ nhất là việc học sinh dùng Facebook có bị nhà trường cấm đoán hay không? Thứ 2 là trong trường hợp nào thì được coi là “xúc phạm danh dự và uy tín giáo viên” và thứ 3 là khi nào thì học sinh có thể “gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”?
Đối với lứa tuổi THPT (từ 15 – 18 tuổi) thay vì cấm đoán và xử lý thì nên hướng dẫn, tuyên truyền và giáo dục thì sẽ hiệu quả hơn. Việc đưa ra một quy định cấm không có căn cứ pháp lý làm cản trở quyền tự do cá nhân của học sinh khi thụ hưởng công nghệ tiên tiến, vì Facebook là mạng tự do, thể hiện mối quan hệ giữa người dùng (các học sinh) với Tổ chức sở hữu và vận hành mạng xã hội.
Tôi cho rằng, không những không nên cấm đoán một cách cứng nhắc mà nhiệm vụ của nhà trường còn là giúp các em khi tham gia mạng xã hội, phải biết phân biệt giữa cái thiện và cái ác, giữa cái xấu và cái đẹp để có suy nghĩ và lựa chọn đưa ra hành động đúng đắn.
Mặt khác, thông tin trên Facebook không phải là thông tin chính thống (như Đơn từ, văn bản, ấn phẩm báo chí…) nên cách thức xử lý cũng phải mềm dẻo, mang tính thuyết phục thay vì cưỡng chế thiếu cơ sở pháp lý, xâm phạm quyền của người dùng mạng xã hội và quyền được học hành đầy đủ của học sinh đang ở độ tuổi đến trường. Về mặt kỹ thuật thì Facebook cho phép các em lập nhóm người dùng hạn chế thành viên (còn gọi là nhóm kín). Điều này có nghĩa là, trong vụ việc nhóm học sinh ở Thanh Hóa chỉ trao đổi “ngầm” trong 1 nhóm kín với nhau – giữa các thành viên là những người đều có sự cảm nhận chung về 1 vấn đề mà những người sử dụng Facebook khác không thể xem, đọc được nội dung.
Nhiệm vụ của nhà trường là cần dạy dỗ, giải thích và hướng dẫn cho các em sử dụng quyền tham gia mạng xã hội như thế nào cho đúng, không vượt quá giới hạn để không vi phạm pháp luật. Theo đó, tự do ngôn luận nhưng không được xúc phạm, bôi nhọ người khác, không dùng ngôn từ kích động, lăng mạ, vu khống.
-Theo ông đâu là giải pháp để các trường có thể tránh được các tác dụng tiêu cực khi học sinh tham gia Facebook mang lại?
Tôi xin trích dẫn lời Bộ trưởng Thông tin truyền thông tại diễn đàn Quốc hội: "Mạng xã hội không phải ảo mà là thật, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng, khi cái tốt nhiều hơn thì cái xấu sẽ giảm đi". Đầu tiên cần định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai”. Vấn đề là chúng ta tạo ra quy tắc sử dụng Facebook sao cho phát huy tối đa lợi ích và giảm thiểu các tác hại.
Theo đó, các trường THPT nên có những buổi sinh hoạt tập thể kết hợp giáo dục, phát triển kỹ năng mềm trong sử dụng Internet nói chung, các tiện ích công nghệ nói riêng như mạng xã hội, thư điện tử.
Tiếp theo, môi trường giáo dục phải thực sự dân chủ, minh bạch và thân thiện. Theo đó, nhà trường chủ động tạo nhiều kênh đối thoại với học sinh, khuyến khích, động viên để học sinh mạnh dạn thể hiện chính kiến, quan điểm và suy nghĩ một cách tích cực nhất. Khi tiếp nhận các góp ý xây dựng, cần tổ chức xác minh để xử lý sớm và triệt để, tránh tạo hiệu ứng bức xúc, bùng nổ, tạo thành dư luận tiêu cực, thậm chí có thể dẫn đến phạm lỗi với thầy cô và nhà trường.
Cần hạn chế thấp nhất áp dụng mức kỷ luật đuổi học đối với học sinh, trừ trường hợp bất khả kháng và chỉ sau khi đã kiên trì thuyết phục, tạo cơ hội khắc phục sửa chữa nhiều lần.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Trường hợp cán bộ viên chức, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo cần kiên quyết xử lý để tránh tạo hiệu ứng xấu lây lan, tạo ra phản ứng trong học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sư phạm.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!