Địa phương xác định đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt là bước đệm quan trong mục tiêu của tỉnh nhằm đưa Vĩnh Phúc thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đầy đủ cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn; giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt.
Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh ban hành Nghị quyết về “Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Nghị quyết hỗ trợ chi phí và vay vốn giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài nước.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho 1.486 lao động vay hơn 97 tỷ đồng để tự tạo việc làm tại chỗ và 51 lao động được vay gần 6 tỷ đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Mặt khác, Vĩnh Phúc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết việc làm các cấp đến tận xã, phường, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đưa nội dung Nghị quyết và thông tin về dạy nghề, việc làm đến cấp cơ sở và người lao động.
Vĩnh Phúc rà soát, sắp xếp và kiện toàn lại mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, giải thể cơ sở dạy nghề không hiệu quả và thành lập trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu phục vụ công tác giải quyết việc làm.
Trong 5 năm qua, Vĩnh Phúc đầu tư thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh là 176,451 tỷ đồng.
Với chính sách hỗ trợ tích cực, nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề, trong 5 năm qua, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 17.828 lao động. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 50%; có 1.650 lao động và 232 người truyền nghề là nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh được hưởng chính sách truyền nghề, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,6 tỷ đồng. Trong đó có 7 ngành, nghề được hỗ trợ gồm mây tre đan, thêu ren, chế tác đá, rèn, nuôi rắn…
Thời gian tới, để công dạy nghề, giải quyết việc làm tiếp tục phát huy hiệu quả, cùng với tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để có việc làm, giảm nghèo bền vững, Vĩnh Phúc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu tổ chức đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động.
Đồng thời, tỉnh làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề gắn với tuyển lao động của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm; tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nghệ nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.