Chiều 12/1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có cuộc họp báo để thông tin chính thức về việc nhiều phi công, cán kỹ thuật của hãng đã lãn công tập thể bằng hình thức báo ốm và một số đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Trước đó, trong đợt cao điểm Tết dương lịch 30.12.2014 đến 4.1.2015 đã có 117 lượt phi công báo ốm trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy bác sỹ (chứng nhận của cơ quan y tế), số phi công của đội bay Airbus chiếm hơn 90%. Số lượng này gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2013-2014, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vào mùa cao điểm. Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc của Vietnam Airlines, việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường cộng thêm hiện tượng hơn 30 phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc là một sự việc nghiêm trọng.
Về ngắn hạn cũng như lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh – an toàn khai thác của Tổng công ty và thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị . Trao đổi với phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí tại buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Minh cho biết: Từ 2008, Vietnam Airlines đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương chung cho Tổng công ty đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: trong giai đoạn 2009-2010, cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam xác định đơn giá tiền lương trên cơ sở đủ nguồn quỹ tiền lương để hoàn thành tiến trình cải cách tiền lương theo kế hoạch. Trong lộ trình này, thu nhập của phi công sẽ tăng dần và khi kết thúc sẽ đạt đến mức 75 % -80 thu nhập phi công nước ngoài mà Vietnam Airlines thuê. Đến năm 2015, sau 5 lần cải cách, thu nhập của phi công Việt Nam sẽ bằng xấp xỉ 75% thu nhập phi công nước ngoài mà Vietnam Airlines đang thuê. Đặc biệt, thu nhập ở đây được hiểu là thu nhập trước thuế, với phi công nước ngoài là mức trả cho công ty quản lý phi công và đơn vị đứng ra ký hợp đồng với Vietnam Airlines.
Ông Minh cũng cho biết: gần đây nhất, tháng 11/2014 lãnh đạo Tổng công ty đã có buổi làm việc công khai với toàn thể phi công để trao đổi lấy ý kiến, trước khi tiếp tục triển khai các bước cải cách tiền lương tiếp theo. Thời điểm tháng 12/2014 là mốc gần nhất và tiếp sau đó theo lộ trình năm 2015, Vietnam Airlines sẽ có 2 lần cải cách tiền lương nữa vào 6 tháng đầu năm và vào tháng 7/2015. Việc điều chỉnh thu nhập của đội ngũ phi công trên nằm trong lộ trình cải cách tiền lương của Vietnam Airlines, áp dụng chung với toàn bộ hơn 10 nghìn lao động của Vietnam Airlines với mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và thu nhập cho người lao động. Theo lãnh đạo của Vietnam Airlines, đối với một phi công trong nước sau khi hoàn tất khóa học phi công cơ bản sẽ phải tham dự các khóa huấn luyện chuyển loại, huấn luyện định kỳ và huấn luyện nâng cấp theo một quá trình dài trong nhiều năm. Để đào tạo được một phi công hay một thợ có chứng chỉ bảo dưỡng thì phần chi phí đào tạo trực tiếp (được ký trong hợp đồng đào tạo) là rất nhỏ so với các chi phí để tạo dựng được hệ thống tổ chức, hệ thống triển khai và nguồn nhân lực giáo viên, tài liệu, các quy trình và đặc biệt là môi trường tác nghiệp để người lao động hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng.
Với phi công nước ngoài, Vietnam Airlines trả thu nhập trên cơ sở bằng cấp và kinh nghiệm phi công đó tự tích lũy ở những nhà khai thác khác khác, do không phải đào tạo. Với phi công Việt Nam, nhiều quá trình đào tạo do Vietnam Airlines tự thực hiện và chi trả chi phí (huấn luyện chuyển loại máy bay khai thác, huấn luyện nâng cấp lên lái phụ hoặc nâng cấp lên lái chính...). Từ những thông tin được công bố đã cho thấy trong hành lang pháp lý việc sử dụng lao động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã còn những kẽ hở mà người lao động (phi công, cán bộ kỹ thuật) và cả những đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước có thể lợi dụng. Do những điều khoản trong hợp đồng lao động thiếu một chế tài cụ thể nên người lao động của Vietnam Airlines sẵn sàng phá bỏ hợp đồng lao động mà không phải chịu phạt khi đến làm việc cho các hãng khác.
Thực tế từ vụ việc tại Vietnam Airlines cho thấy bên phải chịu thiệt thòi chính là Hãng hàng không quốc gia khi phải chịu những phí tổn, thời gian đào tạo và cả hạ tầng vật chất, thiết bị để các phi công, cán bộ kỹ thuật có thể học tập, nâng cao trình độ qua nhiều năm. Đây là vấn đề mà nhiều hãng hàng không trên thế giới đã gặp phải khi hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường. Thậm chí một số quốc gia vấn đề giao thông hàng không đã phải đưa cả ra nghị trường bàn thảo mới giải quyết được. Do vậy, có thể khẳng định, nếu không có những biện pháp cần thiết và sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan chức năng việc phi công và cán bộ kỹ thuật của Vietnam Airlines “cáo ốm” sẽ hoàn toàn có thể tiếp diễn, nhất là các dịp nghỉ lễ như Tết âm lịch sắp tới.
Hồng Ninh