Vẫn phập phồng chống ngập

Dù hơn 10 năm qua, cứ đến mùa ngập là người dân TP Hồ Chí Minh lại được nghe hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập; nhưng rồi “đâu lại hoàn đó”, chỉ sau một vài cơn mưa nhỏ đầu mùa, phố xá đã lại trở thành dòng sông.

Đến hẹn lại ngập

Ông Tuấn, một người dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bức xúc: “Gần cả chục năm nay, người dân khu vực này phải chịu cảnh ngập lụt, hôi thối do nước cống tràn vào nhà. Đáng sợ nhất là những cơn mưa đầu mùa, rác rưởi, nước cống tích tụ trong mùa nắng, hôi hám kinh khủng. Năm nay cũng vậy, chỉ mới một trận mưa không lớn lắm, mà đoạn đường này đã có những nơi ngập đến nửa mét, xe chết máy, người dân cứ thế bơi trong nước cống… Năm nào chúng tôi cũng nghe hứa hẹn và hy vọng năm sau sẽ hết ngập, nhưng rồi cứ đến mùa ngập là bao hy vọng lại tiêu tan”.

Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) bị chìm sâu trong “biển nước”, có chỗ ngập sâu đến gần 1 mét. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Không chỉ khu vực Nguyễn Hữu Cảnh, mà theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên toàn địa bàn thành phố còn 17 tuyến đường tiếp tục bị ngập trong mùa mưa này. Trong đó có 5 điểm nằm ở khu vực trung tâm thành phố và 12 điểm ở khu vực vùng ven. Lý giải về tình trạng ngập úng thường xuyên trên các tuyến đường thuộc khu trung tâm như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí… đại diện trung tâm chống ngập cho biết, nguyên nhân là do hệ thống thoát nước hư hỏng, nên phải thi công, nâng cấp, khiến nước không thoát được. Một số tuyến đường khác, ngập cũng do hệ thống cống thoát nước ở đây đang bị ảnh hưởng do đường xuống cấp. Để thay thế hệ thống cống thoát nước bị hỏng này, lại phải chờ dự án đường được nâng cấp xong thì mới triển khai được…

Chờ thêm 5 năm nữa…

Không chỉ trời mưa, đường sá TP Hồ Chí Minh mới ngập, ngay cả khi trời không mưa, nhiều khu vực thành phố cũng bị ngập nặng mỗi khi mực nước triều cường dâng cao. Theo Th.s Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân là do diễn biến của mực nước triều tại khu vực TP Hồ Chí Minh ngày càng có xu hướng tăng dần theo từng năm, đỉnh triều cường năm sau thường cao hơn năm trước. Qua theo dõi, mực nước triều những năm gần đây thường đạt đỉnh ở mức 1,55 - 1,68 m. Trong khi đó, khoảng 65% diện tích của TP Hồ Chí Minh hiện nay có cao độ thấp hơn mực nước triều 1,5 m. Đặc biệt, những lúc mưa to kéo dài, kết hợp với triều dâng cao trên 1,5 m thì thành phố sẽ ngập sâu trong nước.

Còn PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết, từ sau năm 1990, tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến tình trạng san lấp kênh, rạch diễn ra ồ ạt. Các công trình của Nhà nước, công ty tư nhân và của người dân mọc lên dày đặc. Trong quá trình xây dựng, các chủ đầu tư, các chủ nhà đã lấp các ao, hồ, kênh, rạch để lấy mặt bằng xây dựng. Việc lấp kênh, rạch đã góp phần lớn làm trầm trọng thêm tình trạng ngập nước ở TP Hồ Chí Minh.

Cùng với việc hệ thống ao, hồ, sông, rạch bị san lấp, lấn chiếm, thì hệ thống cống thoát nước của thành phố cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Theo các chuyên gia, hệ thống cống thoát nước hiện nay của TP Hồ Chí Minh chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% so với yêu cầu quy hoạch (2.593/6.000 km cống thoát nước), chủ yếu tập trung ở vùng trung tâm thành phố. Đáng nói, ngay cả một số dự án, công trình thoát nước vừa mới đầu tư xây dựng gần đây cũng sớm trở nên lạc hậu so với diễn biến phức tạp của mưa, triều cường.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây thông số đầu vào để lập quy hoạch, xây dựng hệ thống cống thoát nước có khả năng tiêu thoát tốt với lượng mưa tối đa trong 3 giờ là 95,91 mm, đỉnh triều +1,32 m. Tuy nhiên, trên thực tế những năm qua có những trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt đến lượng mưa 100 - 122 mm và đỉnh triều có lúc đạt tới +1,68 m. Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải.

Vì hệ thống thoát nước của TP Hồ Chí Minh chủ yếu vẫn qua hệ thống sông, kênh, rạch, với 3.020 tuyến, tổng chiều dài 5.075 km, trong khi phần lớn hệ thống sông, rạch hiện hữu vẫn chưa được đầu tư nạo vét gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy. Những năm gần đây, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực nhưng cũng chỉ nạo vét được 60,3/5.075 km (chiếm khoảng 1,19%). Và dù chỉ mới nạo vét được 60,3 km tuyến kênh trên 4 trục tiêu thoát nước chính gồm: Tham Lương - Bến Tát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm, nhưng thành phố cũng đã tốn hàng trăm triệu USD.

Hứa hẹn mới nhất được trung tâm đưa ra là đến năm 2020, hệ thống chống ngập của thành phố mới phát huy tác dụng. Theo ông Đỗ Tấn Long, để giải quyết bài toán ngập cho thành phố một cách căn cơ thì phải chờ đến Đề án 1547 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu, nhưng đến nay chỉ mới có cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện. Dự kiến, trong năm nay sẽ triển khai tiếp 8 cống kiểm soát triều, 20 km đê bao nhưng phải đến năm 2020 mới phát huy tác dụng. Trước mắt, thành phố vẫn tiến hành nạo vét hệ thống cống thoát nước, kiểm tra bảo dưỡng các trạm bơm, cống ngăn triều. Tại các dự án đang thi công, trung tâm đã yêu cầu các chủ đầu tư chuẩn bị sẵn sàng máy móc để khi có mưa lớn hoặc kết hợp với triều cường thì ứng cứu ngay, không để ngập như các năm trước.
L.Hiền
Cảnh báo ngập lụt nhiều tuyến phố Hà Nội
Cảnh báo ngập lụt nhiều tuyến phố Hà Nội

Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ chiều tối 30/5 mây đối lưu phát triển mạnh gây mưa dông nhiều nơi. Nhiều tuyến phố ở Hà Nội tiếp tục được cảnh báo ngập lụt sau mưa dông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN