Chống ngập trước mùa mưa

Do tác động của biến đổi khí hậu, dự báo lượng mưa trong các tháng cao điểm mùa mưa năm 2016 có xu hướng tăng dần 5 - 10%. Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội, Thủ đô sẽ có tới 16 “điểm đen” úng ngập khi có các trận mưa có lưu lượng từ 50mm/2h - 100mm/2h.

Nhiều “điểm đen” bất khả kháng

Theo ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, để tăng khả năng thoát nước trong mùa mưa 2016, Công ty đã phối hợp với các chủ đầu tư tiến thành xây lắp, cải tạo sửa chữa giảm thiểu 7 điểm ngập úng cục bộ tại Liễu Giai, ngã năm Bà Triệu, Định Công, Vũ Xuân Thiều... Đồng thời, thực hiện lắp đặt 4,2 km rãnh hỗn hợp trên 18 tuyến phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàm Long, Yết Kiêu nhằm giải quyết tình trạng nước thải chảy tràn trên mặt đường, đảm bảo vệ sinh.

“Nhờ đó, các điểm úng ngập khu vực nội thành giảm từ 23 điểm (năm 2015) xuống còn 16 điểm (năm 2016). Trong số đó, có 5 điểm ngập bất khả kháng do đây là các điểm trũng của các tuyến phố gồm: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội); Nguyễn Khuyến và Cao Bá Quát”, ông Võ Tiến Hùng cho biết.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét sông Tô Lịch.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực đô thị tại 12 quận huyện gồm 1.604 km cống rãnh, hơn 27.000 ga thu, 85 hồ tham gia điều hoát thoát nước…, được chia thành 4 khu vực: Lưu vực sông Tô Lịch; lưu vực Tả Nhuệ, lưu vực Long Biên, lưu vực Hà Đông.

Khu vực chống ngập úng của thành phố nằm trong lưu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5 km2 nhằm thoát nước với lượng mưa 310mm/2 ngày. Đến nay, Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (Dự án II) đã hoàn thành cải tạo và xây dựng 52 tuyến cống nội thành với chiều dài 26 km; hoàn thành cải tạo 11/13 hồ và 11/12 trạm bơm cục bộ trên hồ. Đồng thời, cải tạo kênh mương khu vực nội thành 19/30 với chiều dài 23/25 km.

“Hiện chỉ có lưu vực sông Tô Lịch gồm toàn bộ khu vực trung tâm với các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, và một phần quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân được đầu tư đồng bộ; còn các khu vực khác mới chỉ đầu tư cục bộ một số khu vực. Điều này đồng nghĩa khu vực mở rộng về phía Tây gồm Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm vẫn xảy ra ngập khi mưa lớn. Thành phố đang giao Sở Xây dựng nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước cho lưu vực Tả Nhuệ, sử dụng nguồn vốn ODA của JICA”, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Cùng với các điểm ngập trên các tuyến phố chính, các ngõ ngách lưu vực còn lại mới được đô thị hóa cũng sẽ không tránh được chuyện ngập úng do cốt nền đường và mặt ngõ nhiều nơi vênh nhau. Đây là thực tế trong quá trình đô thị hóa, tuy nhiên việc ngập úng trong ngõ ngách theo phân cấp thuộc tránh nhiệm của chính quyền quận. Do đó, người dân khu vực ngập sớm có kiến nghị tới chính quyền địa phương để xử lý điểm úng, ngập.

Khẩn trương nạo vét hệ thống cống

Để chống ngập cho Hà Nội trong mùa mưa tới, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị thực hiện nạo vét hệ thống cống đồng bộ theo từng lưu vực; đảm bảo hệ thống cống dọc, cống ngang, ga thu không ắch tắc mọi thời điểm trong mùa mưa; ưu tiên nạo vét cơ giới tại các trục tiêu thoát chính và các trọng điểm. Các hồ điều hòa cũng được điều tiết mực nước để đảm bảo thu nước khi mưa lớn.

Với các điểm thường xảy ra nguy cơ úng ngập, Công ty thoát nước Hà Nội tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiêu thoát nước sau khi hết mưa từ 30 - 90 phút. Đến nay, đơn vị đã nạo vét 48.000 lần cống ngang, 5.800 m3 bùn ngầm, 17.200 m3 bùn mương sông và 52 km trục cống chính các loại.

“Đối với 16 điểm dự kiến úng ngập năm 2016, công ty đã lên phương án cụ thể sử dụng các thiết bị cơ giới như trạm bơm di động, xe hút... Một số điểm úng ngập trong nội đô, Công ty đang đề nghị sớm triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư. Như điểm ngập phố Hoa Bằng, UBND thành phố đã giao cho quận Cầu Giấy quản lý, cải tạo hệ thống thoát nước; điểm ngập phố Đội Cấn đang chờ hoàn thiện dự án cải tạo thoát nước phố Đội Cấn có quyết định từ năm 2013...”.

“Thanh tra xây dựng và công ty thoát nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải tỏa, chống lấn chiếm hồ, mương, sông, không để xảy ra tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm phát sinh, nhất là khu vực ven đô và các khu vực đang phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thoát nước tự chảy tại lưu vực Tả Nhuệ, Long Biên, Hà Đông. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát giao thông nhằm phân luồng, tránh ách tắc giao thông tại các điểm úng ngập”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.

Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, các chủ đầu tư sớm bàn giao các hồ được cải tạo, các tuyến mương được cống hóa, các hạng mục thoát nước đã hoàn thành của các dự án cho Sở Xây dựng vận hành phục vụ công tác thoát nước chung.

“Để đảm bảo hiệu quả thoát nước nhanh khi mưa lớn, người dân cần ý thức hơn trong việc xả rác đúng nơi quy định. Thực tế qua đợt nạo vét vừa qua, rất nhiều rác thải không được thu gom đều chảy xuống cống, ga thoát gây ùn tắc, gặp mưa lớn sẽ cản dòng chảy, nhất là miệng ga thu nước”, ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy, nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Loay hoay với hồ điều tiết chống ngập
Loay hoay với hồ điều tiết chống ngập

Trong nỗ lực giảm ngập úng, TP Hồ Chí Minh đã quyết định triển khai thí điểm dự án các hồ chống ngập trên địa bàn. Trong khi vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại vì tính hiệu quả của dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN