Chống ngập... quá nhiều bất cập

Tiêu chuẩn chống ngập đô thị lạc hậu, số liệu sai, dự án không sát thực tế; hiệu quả của dự án không được giám sát, đánh giá nghiêm túc sau khi hoàn thành… là những nguyên nhân dẫn đến việc thành phố đã chi rất nhiều tiền nhưng ngập vẫn hoàn ngập.


Đường Tân Hòa Đông (quận Bình Tân) ngập sâu trong nước chiều 9/9/2015.

Chi 29 nghìn tỷ đồng… vẫn ngập

Sau trận mưa ngày 15/9 vừa qua, cả Thành phố Hồ Chí Minh ngập chìm trong nước. Lí do mà ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đưa ra là do tình trạng đô thị hóa quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng của hệ thống thoát nước ở nhiều nơi bị xuống cấp, không kịp đáp ứng. Mặt khác, do biến đổi khí hậu khiến lượng mưa vượt quá công suất thiết kế của các hệ thống thoát nước nên xảy ra hiện tượng quá tải. Ông Long giải thích, hệ thống cống thoát nước lớn nhất hiện nay chỉ được thiết kế tương ứng với lượng mưa 85,36mm và đỉnh triều 1,32m. Tuy nhiên, đỉnh triều ở thành phố trong những năm gần đây thường xuyên đạt đỉnh 1,68m, trong khi đó có đến 63% diện tích có cốt nền thấp hơn 1,5m.

Trong thời gian qua, thành phố đã chi hơn 29 nghìn tỷ đồng cho hai dự án chống ngập mang tính “căn cơ” đó là Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn (Quy hoạch 752 do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA lập) với các giải pháp nâng cấp cống thoát nước, san nền và kiểm soát triều cục bộ, được triển khai từ năm 2003 và Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008, hiện đang triển khai.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch 752 đã xây mới và cải tạo gần 2.600 trên 6.000 km2 hệ thống thoát nước; nạo vét hơn 60 km trong 5.005 km kênh rạch và đã hoàn thành giai đoạn 1 của một trong tổng số 12 nhà máy nước thải. Tổng số vốn dành cho quy hoạch này là 24.300 tỷ đồng. Còn Quy hoạch 1547 thì mới xây dựng được một trong số 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và hơn 60 km đê bao (tổng số 149 km) với tổng số vốn hơn 4.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm chống ngập, năm 2008, trên toàn thành phố có tới 126 điểm ngập chia làm sáu vùng chính. Trong đó, vùng trung tâm (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 5, 8, Bình Thạnh) có tới 85 điểm ngập. Ba năm sau, khi thành phố xác định trong giai đoạn 2011-2015 tập trung tối đa giải quyết tình trạng ngập nước thì vùng trung tâm chỉ còn 31 điểm ngập. Tuy nhiên, dù thành phố đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, nhưng lại phát sinh nhiều ở khu vực ngoại thành như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân… và mới đây nhất, cơn mưa vũ lượng 142 mm xuất hiện chiều 15/9 đã khiến thành phố xuất hiện 66 điểm ngập.

Sẽ vẫn tiếp tục ngập

Nói như chuyên gia Phạm Sanh, giờ mà hỏi vì sao thành phố ngập nặng thì ai cũng có thể trả lời được, đó là cống quá tải, đó là rác, đó là tốc độ đô thị hóa, đó là do mưa lớn… Những lý do này nghe quen thuộc tới mức, ngay cả người dân cũng cảm giác rằng, nguyên nhân ngập thì ai cũng thấy và chống ngập là việc ai cũng làm được, chỉ là không làm. Nhưng thực tế, đó chỉ là hiện tượng mà ai cũng thấy, còn nguyên nhân sâu xa thì không chỉ có vậy. Không riêng gì TP Hồ Chí Minh, mà rất nhiều địa phương trong cả nước đều mắc phải sai lầm là không coi trọng hệ thống điều tiết tự nhiên nên lấp nhiều kênh rạch và tìm cách biện minh cho sự lấp. Mặt khác, thực sự chúng ta cũng chưa biết cách chống ngập đô thị, nên các dự án không có sự gắn kết, đồng bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh (Hascon): Các dự án chống ngập của thành phố không có tác dụng chống ngập mà chỉ là những dự án ứng phó tạm thời, do thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã san lấp rất nhiều kênh rạch để xây dựng các khu đô thị, trong khi không có một quy hoạch đồng bộ. Việc san lấp mặt bằng ồ ạt đã lấy đi các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng. Trước đây, người Pháp đã quy hoạch Sài Gòn một cách tỉ mỉ về quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ chỉ làm vùng trũng chứa nước, không phát triển đô thị về phía Nam.

Theo TS Phạm Sanh, cả hai quy hoạch chống ngập của thành phố hiện đều có vấn đề. Quy hoạch của JICA là quy hoạch thoát nước mưa, chống ngập đô thị, khu vực trung tâm kết hợp với hệ thống cống ngăn triều, nhưng số liệu đầu vào của dự án không sát với thực tế. Có thể phía Việt Nam đã cung cấp những số liệu lạc hậu, dẫn đến hệ thống cống chống ngập của dự án này tương đối nhỏ, trừ những cống thu gom; đặc biệt là không quan tâm đến hệ thống cống nhỏ trong các con hẻm, trong khu dân cư… mà chỉ tập trung vào hệ thống cống ngăn triều ở bốn khu vực gồm Thị Nghè, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương. Trong khi Quy hoạch 1547 thì gần như không đề cập đến ngập đô thị vì cho rằng chống ngập đô thị đã có dự án của JICA đảm trách, nên chỉ quan tâm đến chống ngập do triều, do lũ từ sông về, mặc nhiên xem đô thị đã được thoát nước tốt. Thực tế cho thấy, cả hai hệ thống quy hoạch này không liên kết với nhau và cả hai đều có những cái sai. Ví dụ, nếu làm cống ngăn triều, đê bao, mưa lớn thì nước chảy đi đâu? Trong khi chúng ta không có trạm bơm, nước sẽ đọng lại, gây ngập thành phố…

Theo nhiều chuyên gia nhận định, hiện tại Bộ Xây dựng đang có bộ tiêu chuẩn thoát nước cực kì lạc hậu. Lâu nay chúng ta cũng “quên” bộ chịu trách nhiệm về thoát nước đô thị là Bộ Xây dựng, chúng ta cứ nghĩ trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiêu chuẩn thoát nước của Việt Nam hiện nay chỉ tính hệ thống cống 3 năm, 5 năm (trận mưa 3 năm có một lần hoặc 5 năm mới có hai lần) mà không hề tính đến hệ thống cống chịu được những trận mưa 10 năm, 20 năm, vậy những trận mưa lớn hơn 3 năm, 5 năm thì thoát đi đâu? Ngay cả công thức tính lượng mưa của Bộ Xây dựng hiện nay cũng rất lạc hậu, ví dụ tiêu chuẩn về những trận mưa 3 năm, 5 năm, thực tế những trận mưa có lưu lượng như vậy đã diễn ra thường xuyên chứ không phải 3 năm một lần nữa, vì lượng mưa thực tế ở nước ta hiện nay, năm sau vẫn cao hơn năm trước ít nhất khoảng 10%. Những số liệu lạc hậu này hiện vẫn được áp dụng để xây dựng các dự án, nên ngay khi chưa hoàn thành, dự án đã lạc hậu. Nếu không khắc phục điều này, tiêu chuẩn này tiếp tục được đưa vào các dự án thì có đổ vài chục nghìn tỷ vào vẫn không chống được ngập.

Đề cập đến một nguyên nhân khác, TS Phạm Sanh cho biết, thành phố đang bị lún, đang bị thấp do phát triển đô thị, nhà cao tầng… Thành phố ngày càng lún sâu xuống, trong khi hệ thống sông ngòi thì vẫn đứng yên. Nhưng khi thiết kế hệ thống cống thoát, chúng ta không tính toán đến yếu tố lún, nên khi cống thoát gặp kênh, gặp sông thì thấy kênh, sông ở “trên trời”, đơn vị thi công phải uốn lên… Từ đó, hệ thống cống không còn tự chảy được mà thành hệ thống giữ nước và chảy ngược vào đô thị. Điều này hiện nay cũng không được nhận dạng và cũng chưa ai nói thật. Tình trạng này trên thế giới cũng nhiều quốc gia gặp phải, họ buộc phải ứng dụng công nghệ mới là dùng hệ thống khí ép để đẩy nước chảy ra chứ không để tự chảy.

Ngoài việc nên mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm thực tế trong việc chống ngập để tư vấn, điều chỉnh các dự án trong nước, TS Phạm Sanh cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập hiện nay, tuyệt đối không chấp nhận tư duy thay kênh rạch bằng cống hộp nữa, ngay từ bây giờ không được lấp một mét kênh rạch nào nữa. Một giải pháp khác hiện nay cần suy nghĩ để thực hiện là thu gom nước mưa để sử dụng. Cần xem việc này như tiêu chuẩn trong xây dựng nhà đô thị, đưa nội dung này vào giáo trình ở các trường đại học để thực hiện bắt buộc trong thiết kế nhà ở.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên theo kỳ triều cường. Mực nước cao nhất sáng 28/9 trên sông Hậu tại Long Xuyên: 1,93m, trên báo động 1: 0,03m; trên sông Sài Gòn tại Phú An: 1,33m, trên báo động 1: 0,03m. Dự báo trong 2 - 3 ngày tới, mực nước sông Cửu Long, hạ lưu sông Sài Gòn tiếp tục lên theo kỳ triều cường và đạt đỉnh vào ngày 29 - 30/9. Mực nước cao nhất tại các trạm chính vùng cuối nguồn sông Cửu Long đạt mức báo động 1 - báo động 2; tại Phú An (sông Sài Gòn) lên xấp xỉ mức báo động 3; sau đó mực nước sẽ rút xuống. Tại TP Hồ Chí Minh đề phòng nguy cơ ngập úng ở các vùng ven sông, kênh rạch và vùng trũng.

 T.T


Lê Hiền
Người dân Sài Gòn trong cảnh ngập lụt
Người dân Sài Gòn trong cảnh ngập lụt

Mưa, ngập đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với người dân TPHCM do khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng, đảo lộn mọi hoạt động từ sinh hoạt, đi lại cũng như kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN