Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và ngăn chặn hơn 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ tháng 7/2020 đến hết tháng 3/2021. Tuy nhiên, để hành vi lừa đảo không được thực hiện, người sử dụng điện thoại thông minh cần nâng cao cảnh giác và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ internet trở nên phổ biến và điện thoại thông minh trở thành vật dụng thiết yếu, bất ly thân của nhiều người.
Khuyến cáo người sử dụng
Đối với hình thức lừa đảo là gửi tin nhắn, kèm đường dẫn để kích hoạt nội dung hướng dẫn lừa đảo, lời khuyên của các chuyên gia an ninh mạng là khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, người sử dụng không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tiếp theo, dù nội dung chào mời hấp dẫn, người sử dụng cần tìm hiểu thêm thông tin trên website chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng, ngân hàng… thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc tự đánh địa chỉ trang web của đơn vị cần truy cập. Sử dụng các thông tin liên lạc như gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng, đường dây nóng… được cung cấp trên website chính thức đó, để kiểm chứng, xác thực thông tin.
Khi điện thoại thông minh trở thành cổng kết nối phổ biến thì mọi người cần tăng cường bảo mật thông tin cho những số điện thoại được sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử… Trường hợp SIM điện thoại bị chiếm quyền kiểm soát, hoặc mất điện thoại, nếu có bảo mật SIM bằng mã PIN an toàn thì thì đối tượng xấu cũng khó chiếm đoạt được thông tin cá nhân của người sử dụng.
Đối với các phần mềm có liên kết thanh toán, người sử dụng nên dùng các phương thức xác thực 2 yếu tố (tin nhắn SMS lấy mã dùng 1 lần (mã OTP hoặc mã Smart OTP trên ứng dụng thiết bị thông minh). Ngoài ra, người sử dụng có thể xác thực thêm mã khóa bảo mật thay đổi theo thời gian (Token-key), để tránh bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim điện thoại.
Trong trường hợp nhận được tin nhắn rác, hay cuộc gọi quảng cáo mời sử dụng dịch vụ nào đó, nhất là liên quan đến cung cấp thông tin về SIM điện thoại đang dùng, mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và lập tức gọi về tổng đài mạng điện thoại đang dùng để xác minh thông tin chính thức từ nhà mạng viễn thông. Đặc biệt, cần khóa thẻ SIM ngay khi phát hiện bị vô hiệu hóa bằng cách liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng, để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro khi bị kẻ xấu kiểm soát sim, lấy mã OTP chiếm đoạt tiền của người sử dụng thông qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Cập nhật thông tin
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mọi người cần cập nhật những thông tin bảo vệ quyền lợi bản thân khi sử dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống hàng ngày trong mọi nhu cầu của cuộc sống. Trong Nghị định số 91 (Nghị định 91) của Chính phủ (ban hành ngày 14/8/2020) về "Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác", có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 cũng nêu rõ: các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi quảng cáo đến thuê bao nằm trong "Danh sách không quảng cáo". Mọi người dân khi đăng ký số điện thoại của bản thân vào "Danh sách không quảng cáo", thì các chủ thuê bao di động có thể được bảo vệ, không phải nghe các cuộc gọi quảng cáo, nhận tin nhắn quảng cáo, hoặc thư điện tử quảng cáo.
Chuyên gia bảo mật Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSE, cho biết, số điện thoại của chúng ta cũng nằm trong dữ liệu cá nhân và thời công nghệ số như hiện nay, thì dữ liệu cá nhân chính là tài sản, chính là tiền bạc. Ở góc nhìn quốc gia thì dữ liệu chính là chủ quyền quốc gia về mặt thông tin. Vì vậy việc có thêm những hành lang pháp lý mà tạo tiền đề cho việc bảo vệ nhân thân, trong đó có số điện thoại là rất quan trọng trong việc mà ngăn chặn tin nhắn rác tới điện thoại, ngăn chặn cuộc gọi rác, ngăn chặn cái thư điện tử rác.
Nghị định số 91 quy định, mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước. Với trường hợp Người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, Người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng đó. Do đó, trong nếu vẫn bị người gọi điện quảng cáo đến làm phiền, người sử dụng có thể báo cáo bằng tin nhắn. Cú pháp soạn tin nhắn là: V (khoảng trắng/dấu cách) số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác (khoảng trắng) nội dung cuộc gọi rác, gửi đến 5656. Hoặc S hoặc FW (khoảng trắng) số điện thoại gửi tin nhắn rác (khoảng trắng) nội dung tin nhắn rác, gửi tới số 5656.
Sử dụng phần mềm chính hãng
Để có thể xử lý được các loại quảng cáo "âm thầm", thậm chí bị "nghe lén" vẫn xuất hiện trên các nền tảng web, mọi người cũng cần quan tâm và phải hiểu một vấn đề khác, đó là hạn chế cài đặt các ứng dụng "miễn phí" lên thiết bị di động cá nhân.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Người dùng cần cần thực hiện các bước sau: Thứ nhất là dùng phần mềm có bản quyền và chính hãng; Thứ hai là khi sử dụng các ứng dụng thì nên dùng những ứng dụng mà từ những nguồn chính thống vì các kho dữ liệu của các kho ứng dụng được áp dụng các biện pháp kiểm tra kỹ thuật, an ninh mạng trước khi đưa ra công chúng nên sử dụng ứng dụng chính thức giúp hạn chế được nhiều rủi ro. Thứ ba, người dùng các thiết bị công nghệ nên sử dụng các phần mềm diệt virus, diệt mã độc chuyên dụng và cũng nên cập nhật thường xuyên các phần mềm đấy để bảo vệ các thiết bị của mình.
Trên các kho ứng dụng chính thức như Google Play và Apple’s App Store cũng vẫn tồn tại các ứng dụng giả mạo, miễn phí mà các nhà quản lý xuyên biên giới không thể xử lý hết. Nhiều người dùng có thói quen lưu trữ rất nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng trên thiết bị di động, thậm chí thường xuyên truy cập vào bất cứ website nào được gửi tới trong tin nhắn SMS trên điện thoại, nên đã bị đánh cắp tài khoản, mật khẩu, mã giao dịch OTP, dẫn đến mất tiền.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần an toàn thông tin Cyradar khuyến cáo, nếu nhận được đường dẫn qua thư điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, mọi người phải kiểm tra, cân nhắc ý đồ của người gửi đường dẫn. Khi nhận được yêu cầu cung cấp các thông tin quan trọng, bảo mật như điền mật khẩu, hoặc là yêu cầu đặt cọc, chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại cần cảnh giác không thực hiện theo hướng dẫn lừa đảo. Với yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, không chính chủ từ từ tin nhắn của người thân, quen, cần phải gọi điện trực tiếp cho người đó, để kiểm chứng lại. Vì có thể thông tin tài khoản mạng xã hội của người người thân đã bị tin tặc chiếm dụng.
Trong những vụ lừa đảo chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người sử dụng, các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại hoặc nhắn tin lừa người dùng cài đặt phần mềm giả mạo, hoặc nhấn vào (click) vào website giả, có thể đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân. Do đó, người sử dụng luôn luôn cần xác minh thông tin, bằng cách gọi điện cho người gửi tin nhắn qua chat hay qua email, hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng - hotline của các ngân hàng mà người sử dụng nhận được tin nhắn khả nghi.
Điện thoại thông minh là công cụ không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Ngày càng nhiều những tính năng, hoạt động được tích hợp trên điện thoại thông minh để thay đổi cuộc sống của con người. Điện thoại thông minh đòi hỏi người dùng thông thái để có thể tận dụng ưu điểm, sự tiện dụng của điện thoại thông minh và hạn chế tối đa mắc sai lầm để trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.