Về việc này, ngày 24/3, UBND huyện Thạch Thất cho biết, không phải chính quyền chặt mà do người dân tự chặt để đảm bảo cảnh quan.
Theo lý giải của lãnh đạo huyện Thạch Thất, trước khi người dân tự chặt cây xanh, chính quyền xã Hạ Bằng đã tuyên truyền vận động người dân chủ động chặt cây để không gây cản trở giao thông. Những cây bị chặt gồm các chủng loại: xoan đào, gạo, một số cây tạp.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, để trả lại cảnh quan môi trường cho hai địa phương có nhiều cây xanh bị chặt (xã Cẩm Yên, xã Hạ Bằng), huyện đang chỉ đạo phòng Quản lý đô thị về kiểm tra, bố trí loại cây phù hợp để trồng lại tại những vị trí đã thống nhất, trong quy hoạch; đồng thời huyện Thạch Thất đã quán triệt sâu sắc tới lãnh đạo các xã thị trấn, không được tự ý chặt cây xanh, gây phản cảm trong dư luận.
Hà Nội đang có mục tiêu đến năm 2020 trồng 1 triệu cây xanh tại nhiều khu vực trong thành phố, nhằm tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống cho người dân. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn trồng cây, liên kết các địa phương tặng cây cho Thủ đô.
Đáng chú ý nhất, mới đây ngày 18/3, tại công viên Hoà Bình, tập đoàn AEON (Nhật Bản) và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ trồng 130 cây anh đào thuộc giống cây lâu đời từ tỉnh Fukuoka. Đây là hoạt động mở đầu cho việc tập đoàn AEON tặng 3000 cây hoa Anh Đào cho Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới đây.
Mặc dù thành phố Hà Nội đang rất quyết liệt trong việc tăng diện tích cây xanh nhưng qua việc chặt cây ở một số địa phương kể trên cho thấy, cách làm còn nóng vội, tuyên truyền chưa được thấu đáo, sâu rộng.
Trách nhiệm để xảy ra việc chặt cây trên, trước tiên thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, chưa chỉ đạo sâu sát, thiếu thực tế, thể hiện cách làm máy móc, dẫn đến sự bất bình không đáng có. Qua vụ việc ở Thạch Thất, sẽ là bài học cho các địa phương khác trong việc đối xử với cây xanh.