Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên - Bài cuối: Tạo sự đồng thuận xã hội

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia và người dân, trước khi lên kế hoạch, tiến hành di dời hoặc xây mới cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải cần tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn ở nhiều ngành khác nhau và lấy ý kiến dư luận. Có như vậy mới tạo sự đồng thuận và có cách ứng xử văn hóa đối với cầu Long Biên.


Nhiều ý kiến đề nghị bảo tồn nguyên gốc cầu Long Biên.


Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội: Chúng ta không nên có thái độ chỉ xem xét yếu tố kinh tế, như vậy sẽ không hợp lý, mà phải xem xét giá trị bảo tồn với giá trị của phát triển mới thì mới có giải pháp thích hợp. Đặc biệt, cần quan tâm đến ý kiến của cộng đồng dân cư, để chúng ta có ứng xử thích hợp. Một số người cho rằng cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản nên có thái độ ứng xử chưa thực sự khách quan là không nên. Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận giá trị di sản dưới góc độ văn hóa, lịch sử kiến trúc để trân trọng đề xuất nó được công nhận di tích, chứ không phải xem nó chỉ bằng văn bản để có thái độ không hợp lý.


“Phương án tối ưu nhất là tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên tại vị trí cũ gắn kết với hệ thống di sản, đấy là cách để phát triển kinh tế, kích thích du lịch. Nên xây dựng một cây cầu mới, còn ở vị trí nào thì cần phải điều tra, khảo sát và cân nhắc thêm”, KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.


Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng, khi Hà Nội phát triển, chúng ta đã có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại, gánh vác nhiệm vụ giao thông cho cây cầu Long Biên. Nhưng không vì thế mà phá bỏ, hay can thiệp thô bạo vào cây cầu, vì đó là hành vi xúc phạm đến những người yêu Hà Nội. Hãy để cầu Long Biên được giữ nguyên vẹn hình dáng như hiện nay, cũng không cần phải phục dựng lại những nhịp cầu bị chiến tranh tàn phá, vì đó là chứng nhân của tội ác, nhắc nhở thủ đô hôm nay đứng vững và phát triển là phải có mất mát, để giáo dục thế hệ con cháu chúng ta hiểu được chiến tranh đã huỷ hoại di tích như thế nào, và cái giá của hòa bình là thế nào...


“Chúng ta không khó để có giải pháp làm cầu đáp ứng được giao thông hiện tại, nhất là trong điều kiện khoa học công nghệ, với tài năng của các KTS Việt Nam hiện nay. TP Hà Nội cần có trách nhiệm lên tiếng với di tích của Thủ đô. Bộ GTVT cần có hội thảo về sự tham gia của những người gắn bó với Hà Nội, hiểu Hà Nội để có thêm ý kiến, như vậy chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp thích hợp đối với cầu Long Biên”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.


Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cho đến nay, người ta vẫn nhìn cầu Long Biên chủ yếu dưới góc độ là trục giao thông quan trọng của Hà Nội, điều này là hoàn toàn chính xác nếu ta nhìn về lịch sử thành phố Hà Nội. Đây là một công trình hạ tầng có tầm cỡ khu vực và thế giới cả về quy mô và về công nghệ. Việc giải quyết giao thông vượt sông Hồng đã kích thích phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội thành một đô thị, điều này lịch sử phát triển thủ đô Hà Nội đã cho thấy rõ. Chỉ riêng điều đó thôi đã xứng đáng để bảo tồn.


“Tại sao quy hoạch giao thông lại cứ nhằm vào nội thành, vào khu vực nhạy cảm nhất, khu vực được coi là di sản, mà không tìm một phương án nào tốt hơn. Rất nhiều nhà kiến trúc nổi tiếng đã nói, tuyến đường giao thông lớn phải tránh khu có mật độ dân cư quá cao, vì thế, tôi cho rằng, phương án giải quyết giao thông thì nên tách ra khỏi cầu Long Biên”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.


Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề liên quan đến cầu Long Biên cần tham khảo sự hiểu biết về Hà Nội của các nhà chuyên môn ở nhiều ngành khác nhau. Sau đó, một cơ quan đứng ra chủ trì, mời các bên ngồi lại trao đổi, thông qua dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tạo sự đồng thuận xã hội. Như vậy, chắc chắn Bộ GTVT sẽ tìm được một giải pháp ứng xử văn hóa với cầu Long Biên.


Phương Lan

Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên - Bài cuối: Tạo sự đồng thuận xã hội
Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên - Bài cuối: Tạo sự đồng thuận xã hội

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia và người dân, trước khi lên kế hoạch, tiến hành di dời hoặc xây mới cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải cần tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn ở nhiều ngành khác nhau và lấy ý kiến dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN