Vì vậy, các quận, huyện, nhất là các huyện vùng ven phải rà soát lại toàn bộ các đê, khu vực xung yếu, chủ động ứng phó với bão số 4, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, dự báo từ 15/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tại Hà Nội phổ biến từ 150 - 250mm, khả năng cao xảy ra ngập úng tại vùng trũng thấp và khu đô thị thấp...
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ra công điện số 04 CĐ/BCH về việc chủ động ứng phó với bão số 4. Thành phố yêu cầu các quận, huyện và đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các khu vực xung yếu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, mưa lũ dây ra.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa và chằng chống nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng; bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi, tả Tích, đặc biệt khu vực đê đã bị tràn vào cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị phải tiếp tục vận hành hệ thống công trình tiêu kiệt nước trên các tuyến kênh mương và trục tiêu chính, xử lý triệt để các điểm bị ngập úng để khôi phục lại cuộc sống hàng ngày của người dân và bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi…; Công ty TNHH MTV công viên cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn, không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành…
Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cơn bão số 3 vừa qua đã khiến khoảng 3.600 hộ dân huyện Chương Mỹ bị ngập sâu. Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 20 hộ bị ngập và 30 hộ chưa có điện.
Để ứng phó với bão số 4, huyện đã chủ động tăng cường kiểm tra các hồ, đập trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, sẵn sàng lực lượng lượng, vật tư, phương tiện để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết.
Đánh giá cao sự chủ động của tất cả các cấp, ngành, các địa phương trong cơn bão số 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên và theo dõi, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa lũ, úng ngập về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời xử lý, hạn chế rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất.