Ứng phó biến đổi khí hậu: Thanh niên góp phần định hình tương lai bền vững

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh.

Với tính sáng tạo và năng động, thanh niên Việt Nam đã và đang tiên phong tìm hiểu và tham gia vào các giải pháp hiện có cũng như xây dựng những giải pháp mới trong các lĩnh vực Với tính sáng tạo và năng động, thanh niên Việt Nam đã và đang tiên phong tìm hiểu và tham gia vào các giải pháp, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với nhiều dự án dựa vào tự nhiên. 

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên trồng cây tại Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Đẩy mạnh các hành động về khí hậu

Sáng kiến Youth4Climate do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ theo Chương trình lời hứa khí hậu, hỗ trợ hơn 120 quốc gia trong việc tăng cường đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và nâng cao mục tiêu ứng phó khí hậu. Tại Việt Nam, UNDP khởi xướng sáng kiến Youth4Climate từ năm 2020 với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường năng lực của các đại diện thanh niên hiện có và mạng lưới thanh niên, đẩy mạnh các hành động về khí hậu trên các tuyến đầu, đóng góp thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu.

Nhằm cung cấp không gian cho thanh niên tìm hiểu về chính sách và khoa học khí hậu, Trung tâm Học tập Youth4Climate đầu tiên đã được thành lập, cùng với Mạng lưới Thanh niên vì khí hậu độc lập. Các nhà lãnh đạo trẻ về khí hậu cũng đề xuất Lộ trình hành động về khí hậu trong giai đoạn 2021-2025 với các lĩnh vực chiến lược quan trọng.

Sự phát triển của Lộ trình Youth4Climate 2021-2025 thể hiện rõ nguyện vọng giới trẻ Việt Nam trong việc đóng góp cho các mục tiêu khí hậu quốc gia. Trong năm 2023, Nhóm công tác thanh niên về chính sách về khí hậu của Youth4Climate được thành lập với sự hỗ trợ của UNDP để nâng cao tiếng nói của giới trẻ, cải thiện sự tham gia của thanh niên trong hai lĩnh vực ưu tiên: Chuyển dịch năng lượng công bằng và giáo dục về biến đổi khí hậu.

Thực tế, thanh niên Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong tham gia xây dựng chính sách và hành động về khí hậu. Các khuyến nghị cụ thể đã được nêu trong Báo cáo đặc biệt về hành động vì khí hậu 2021, trình Chủ tịch Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Báo cáo đặc biệt Thanh niên hành động vì khí hậu 2022 do hai đại diện thanh niên Việt Nam trình bày tại COP27.

Tại COP28, Nhóm các thanh niên đi tiên phong về khí hậu đã trình bày Tuyên bố Thanh niên Toàn cầu tới các nhà lãnh đạo thế giới và Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong hội nghị bàn tròn về giới trẻ. Tuyên bố Thanh niên Toàn cầu là kết quả của 700 nghìn ý kiến đóng góp từ các hội nghị thanh niên địa phương, trong đó có Việt Nam và từ hơn 50 cuộc thi về chính sách.

Theo dự thảo Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, ở cấp độ quốc gia, hiện nay có 68,8% thanh niên Việt Nam đã biết đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; 12,5% thanh niên chưa nắm rõ về chiến lược và 18,7% thanh niên hoàn toàn chưa biết gì về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Như vậy nhìn chung thanh niên Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, thanh niên Việt Nam chiếm 23% dân số cả nước, được coi là lực lượng đổi mới và hành động. Họ không chỉ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà còn có cơ hội đưa ra những quyết định nhằm định hình một tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Việc thu hút giới trẻ tham gia đàm phán và hành động về biến đổi khí hậu sẽ tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam có cơ hội giao lưu với thanh niên quốc tế, các chính phủ, tổ chức nghiên cứu về hành động và kinh doanh vì khí hậu. Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển về thúc đẩy thanh niên tham gia xây dựng cũng như thực hiện chính sách ứng phó biến đổi khí hậu. Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Cục sẽ tham vấn hàng năm với tất cả các bên liên quan; mông muốn đại diện thanh niên có thể chuẩn bị và tham gia các cuộc thảo luận này.

Chú thích ảnh
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh tư liệu: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN

Hạn chế các tác động tiêu cực

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực; đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã chuyển sang giai đoạn thực hiện.

Theo đó, kể từ năm 2021 trở đi, tất cả các quốc gia có trách nhiệm bắt buộc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Việc triển khai ứng phó và hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu; được thực hiện một cách minh bạch, chịu sự giám sát, đánh giá của quốc tế.

Nhằm góp phần thể hiện vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam cho những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước cũng như ở phạm vi toàn cầu. Lực lượng thanh niên đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho đoàn viên, thanh niên về vệ sinh cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.

Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng đã dành tặng 6 nghìn cây xanh tới địa phương nhằm góp sức vào công cuộc phục hồi rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động thiết thực thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và mục tiêu trồng mới 100 triệu cây do Trung ương Đoàn xác lập trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án “Thanh thiếu niên Đà Nẵng với biến đổi khí hậu” năm 2024 là mô hình hoạt động mới sáng tạo, ý nghĩa do Thành Đoàn phối hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Dự án nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu của trẻ em, nhà trường, gia đình và cộng đồng; lan tỏa thông điệp hành động sớm, không bị động trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; khuyến khích tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới cho trẻ em trong học tập và các hoạt động ngoại khóa; tạo sân chơi cho trẻ em và tăng hiểu biết về thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một hành trình thú vị để các thanh thiếu nhi thể hiện vai trò trong việc đưa ra các giải pháp đổi mới, bền vững và thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Quyết định số 896/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã đưa ra các quan điểm chủ đạo. Cụ thể: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập. Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội. Triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền. Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Thắt chặt tình đoàn kết giữa thanh niên ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Thắt chặt tình đoàn kết giữa thanh niên ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia

Sáng 9/4, Tỉnh Đoàn An Giang tổ chức họp mặt, tặng quà cho sinh viên Campuchia, Lào đang học tập tại tỉnh và cán bộ Đoàn, Hội, Đội người dân tộc Khmer trên địa bàn nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN