Từng bước nâng dần chất lượng kiểm lâm địa bàn

 

Toàn ngành kiểm lâm hiện thiếu khoảng 5.000 biên chế, đội ngũ kiểm lâm địa bàn đã và đang tiếp tục gồng mình để đảm nhiệm tốt trọng trách giữ rừng. Hiện, Cục Kiểm lâm đang tiếp tục đầu tư để tiến tới đáp ứng yêu cầu về số lượng và nâng dần chất lượng toàn đội ngũ, trong đó có kiểm lâm địa bàn. Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng (ảnh) về vấn đề này.

Thưa ông, việc thực hiện chương trình nâng cao năng lực cho kiểm lâm địa bàn xã sau 5 năm đã thu được kết quả như thế nào?

Thực hiện chủ trương bảo vệ rừng tại gốc, các chi cục kiểm lâm trên địa bàn toàn quốc đã đưa công chức kiểm lâm về công tác tại địa bàn xã, phường, thị trấn có rừng; tham mưu cho chủ tịch UBND cấp xã có rừng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp. Đến nay đã có 4.330 người (khoảng 42% tổng số kiểm lâm toàn quốc) được bố trí về công tác tại 4.716 xã có nhiều rừng trên địa bàn cả nước.

Để tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm địa bàn làm tốt nhiệm vụ được giao, năm 2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1187 về việc Phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức kiểm lâm và chủ rừng giai đoạn 2006 - 2010. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đã có trên 5.000 học viên được bồi dưỡng, tập huấn từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. Năm 2006, số công chức kiểm lâm có trình độ trên đại học chiếm 0,4%, trình độ đại học chiếm 28%, trung cấp 46,8%, sơ cấp 24,8%; đến năm 2009, số công chức kiểm lâm có trình độ trên đại học là 1%, (tăng 0,6%), đại học 45% (tăng 23%), trung cấp 46% (giảm 0,8%) và sơ cấp 8% (giảm 16,8%).

Riêng đối với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm lâm địa bàn, ở cấp trung ương, Cục Kiểm lâm đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 600 kiểm lâm địa bàn. Sau 5 năm thực hiện, 100% công chức kiểm lâm địa bàn đã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, chất lượng của công chức kiểm lâm địa bàn từng bước được nâng lên, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương.

Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn còn hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động khuyến lâm, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp như: Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiên liệu thay thế và tiết kiệm củi như xây bếp cải tiến, bếp biogas...

Qua thực tế tại nhiều địa phương, hiện nay kiểm lâm địa bàn phải đảm nhiệm một diện tích rừng lớn hơn so với quy định. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đây có phải là tình trạng phổ biến ở các tỉnh trong phạm vi toàn quốc hay không, thưa ông?

Đúng là như vậy. Theo quy định hiện nay cứ 1.000 ha rừng được bố trí một biên chế kiểm lâm (riêng đối với rừng đặc dụng thì cứ 500 ha/1 biên chế kiểm lâm). Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều nơi, biên chế kiểm lâm còn rất thiếu so với quy định. Biên chế kiểm lâm toàn quốc hiện nay có 10.200 người, hiện đang quản lý 13.258.843 ha rừng (trong đó có 2 triệu ha rừng đặc dụng). Nếu theo quy định thì hiện nay biên chế của lực lượng kiểm lâm còn thiếu khoảng 5.000 người. Tại một số tỉnh có nhiều rừng như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai..., thì một kiểm lâm phải quản lý từ 3.000 – 5.000 ha, thậm chí có những xã có diện tích rừng từ 7.000 - 10.000 ha nhưng chỉ có một kiểm lâm địa bàn.

Vậy tới đây, Cục có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn trên?

Để khắc phục khó khăn trên, thời gian qua, ngoài việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đề xuất hỗ trợ về chế độ chính sách cho kiểm lâm địa bàn... Hiện nay, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án Bảo vệ rừng giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, nội dung đề nghị Chính phủ tăng cường biên chế cho lực lượng kiểm lâm cũng là một giải pháp.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai:
“Có quy chế phối hợp, chính quyền ủng hộ”
Về cơ chế hoạt động, Chi cục đã chỉ đạo các hạt cùng UBND cấp xã ký một quy chế phối hợp giữa hạt kiểm lâm với UBND cấp xã về công tác tham mưu các vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Việc bảo vệ rừng được chính quyền ủng hộ. Trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã làm rất nhiều việc giúp UBND cấp xã dần dần ổn định công tác quản lý bảo vệ rừng.

Anh Mộc Hà Tư, Tổ trưởng Tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, Gia Lai:
“Ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng cao hơn”
Thực tế, từ khi các xã có kiểm lâm xuống địa bàn, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, của chủ rừng, của người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được nâng cao hơn, tố giác kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Có rất nhiều trường hợp vi phạm luật bảo vệ, phát triển rừng, bà con đã báo cho lực lượng kiểm lâm can thiệp kịp thời.

Mạnh Minh

Gian truân giữ rừng ở Tây Nguyên
Gian truân giữ rừng ở Tây Nguyên

Gánh nặng công việc vẫn dồn lên vai những cán bộ kiểm lâm địa bàn, đội ngũ nòng cốt trong bảo vệ và phát triển rừng tại gốc, khi mà rất nhiều nơi còn tình trạng một kiểm lâm phải đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cho hàng ngàn, thậm chí gần chục ngàn hécta rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN