Gánh nặng công việc vẫn dồn lên vai những cán bộ kiểm lâm địa bàn, đội ngũ nòng cốt trong bảo vệ và phát triển rừng tại gốc, khi mà rất nhiều nơi còn tình trạng một kiểm lâm phải đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cho hàng ngàn, thậm chí gần chục ngàn hécta rừng. Kỷ niệm 38 năm ngày truyền thống của lực lượng kiểm lâm, cũng là thêm một lần cảm thông, chia sẻ với đội ngũ kiểm lâm địa bàn, ghi nhận những đóng góp của họ trong công cuộc bảo vệ, phát triển rừng. Đến với Gia Lai, một tỉnh hiện đứng thứ hai cả nước về diện tích rừng càng rõ thêm thực tế: Chủ trương đưa kiểm lâm địa bàn xuống cấp xã đã phát huy hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng thời gian qua.
Ngủ rừng, canh lửaCuộc sống của những người kiểm lâm viên ở địa bàn vùng biên kham khổ hơn và vất vả hơn những nơi khác. Suy nghĩ đó được kiểm chứng sau quãng đường hơn 70 cây số từ thành phố Plâycu, đến trạm kiểm lâm 3 xã phía Tây Nam của huyện Đức Cơ giáp biên giới Campuchia gồm: Xã IaNan, IaPôn và IaDom. 10 giờ trưa, trong trạm chỉ còn ba, bốn anh em ở lại. Những kiểm lâm viên khác đang đi tuần.
Anh Nguyễn Lệ (phải), kiểm lâm địa bàn xã tư vấn kỹ thuật canh tác nông lâm bền vững cho nông dân xã Ia Rsươm (huyện Krong pa - Gia Lai). |
Anh Chu Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm xã Iadom cho biết: “Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Mùa mưa thì rừng ẩm, khó tuần tra. Mùa khô thì đối mặt với cháy rừng... Đầu luôn căng ra theo từng nấc của nhiệt độ. Năm 2010, mùa mưa chấm dứt sớm, nắng hạn kéo dài gây khó khăn cho công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô”.
Tháng năm ở Tây Nguyên, khi vùng rừng biên giới của huyện Đức Cơ sắp sửa đón mùa mưa thì ở huyện Krong pa phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai vẫn là cao điểm khô nóng bởi mùa nắng mới chỉ bắt đầu. Nơi đây được mệnh danh là “chảo lửa” của tỉnh Gia Lai. Việc “canh lửa” luôn là nhiệm vụ hàng đầu của kiểm lâm địa bàn xã. Anh Phan Minh Vương, một kiểm lâm địa bàn thuộc vào dạng trẻ nhất tâm sự: “Có khi nhận được báo động, 2 giờ đêm cũng phải dậy đi địa bàn, cách cả chục cây số là chuyện thường. Mang theo ba lô, trong ba lô có sẵn võng dù, tiện đâu ngủ đó”. Sự vất vả của anh em kiểm lâm là không có một ngày nào được gọi là ngày nghỉ. 3 năm trước, Vương là một trong 4 anh em thuộc kíp trực Tết thì cả 3 ngày Tết phải lao đi chữa cháy rừng.
Có nhiều cái khó khăn chưa hẳn đến từ thời tiết. Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đức Cơ, ở 3 xã biên giới, còn nhiều dân sống xen kẽ trong rừng nên việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng gặp khó khăn. Trên địa bàn vẫn còn tình trạng dân di cư tự do từ các nơi khác về những xã có rừng hoặc ven rừng. Hành vi vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cũng phải thừa nhận: Công tác bảo vệ rừng của kiểm lâm địa bàn tại tỉnh không được trôi chảy như những nơi khác”.
Trăn trở chuyện thiếu ngườiNói về vai trò của lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường về các xã, ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai khẳng định: “Việc tăng cường kiểm lâm địa bàn xã là một chủ trương lớn. Nơi nào có kiểm lâm địa bàn tham mưu tốt cho chính quyền địa phương cấp xã, thì tình trạng quản lý và bảo vệ rừng nơi đó tốt hơn”.
Huyện Đức Cơ hiện có hơn 14.200 ha đất lâm nghiệp. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc tăng cường kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn xã, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ đã phân công 19 cán bộ kiểm lâm xuống phụ trách 9 xã và 1 thị trấn. Theo UBND xã IaDom, xã này có diện tích rừng lớn nhất huyện Đức Cơ với khoảng 9.000 ha. Như vậy, 5 cán bộ kiểm lâm, mỗi người phải phụ trách trung bình khoảng gần 2.000 ha rừng - một con số vượt quá “chuẩn” quy định. Nhưng đây không phải hiện tượng cá biệt. Ở huyện Kbang, diện tích đất có rừng lên tới gần 124.000 ha cũng chỉ có 17 kiểm lâm địa bàn. Đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện này than khó: “Diện tích đất rừng trên địa bàn rộng, địa hình nhiều sông suối, dốc cao hiểm trở gây nhiều khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát lâm sản ở các xã vùng xa. Lực lượng kiểm lâm huyện còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra".
Chia sẻ với thực tế này ở tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Duy Lân cũng thừa nhận, hiện nay, lực lượng kiểm lâm trên toàn quốc còn quá mỏng, chưa đáp ứng đủ theo Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng. Nếu đúng theo quy định, Gia Lai cần tới trên 500 biên chế trong khi hiện nay cả tỉnh chỉ mới có trên 300. Điều này là một thực tế đáng lo ngại đối với công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh Gia Lai, nơi vẫn còn diện tích rừng đứng thứ hai toàn quốc (khoảng 715.000 ha rừng).
“Đề nghị tăng thêm biên chế cho kiểm lâm địa bàn”, ông Lân nói. “Ngoài việc tăng biên chế, cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn, như cơ sở vật chất, điều kiện đi lại, phương tiện và các chế độ đãi ngộ khác để động viên kiểm lâm địa bàn tích cực hơn nữa và hoạt động có hiệu quả hơn nữa trong bảo vệ rừng thời gian tới”.
Mạnh Minh