Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 200 hình ảnh và 100 hiện vật liên quan đến chiến tranh hóa học ở Việt Nam; công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường… góp phần cùng bạn bè quốc tế chung tay làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung triển lãm được bố trí thành 5 phần gồm: Phần I - Thảm họa da cam, nỗi đau da cam; Phần II - Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; Phần III - Hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và hành trình đòi công lý; Phần IV - Những tấm gương nạn nhân da cam vượt khó vươn lên; Phần V - Tỉnh Gia Lai khắc phục thảm họa da cam và hoạt động của Tỉnh hội Gia Lai.
Triển lãm là sự kiện quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế về nỗi đau do thảm họa chất độc da cam/dioxin mà Việt Nam phải gánh chịu; qua đó động viên mỗi người dân cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ triển khai ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 - 1971, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, gây ra thảm họa da cam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Thảm họa này đã khiến 3,6 triệu ha rừng bị hủy diệt; 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng đến ngày 20/8.