Triển khai ngay giải pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô 2025, nắng nóng có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm tại khu vực Nam Bộ. Khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương; trong đó, có An Giang sẽ gây ra nguy cơ cháy rừng rất cao. Hiện tỉnh An Giang đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng.

Chú thích ảnh
Tỉnh An Giang đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng. Ảnh minh họa: Thanh Sang/TTXVN

Từ đầu năm 2025 đến nay trên địa bàn An Giang chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên hiện nay lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên các chùa, khu du lịch trên các đồi núi ở địa bàn huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc tăng mạnh; khách du lịch sử dụng lửa đốt nhang, vàng mã tăng nguy cơ gây cháy rừng.

Đồng thời, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng người dân lén lút chặt phá rừng trồng cây ăn quả khiến nguy cơ gây cháy rừng được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, có những trường hợp nhiều đối tượng vào rừng dùng lửa bắt ong lấy mật làm gia tăng xảy ra cháy rừng…

Thị xã Tịnh Biên, An Giang có địa hình đồi, núi phức tạp, khi xảy ra cháy rừng lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận để chữa cháy. Để phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thị xã, ông Trần Hiếu Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Tịnh Biên, An Giang cho biết, thị xã đã định khu vực trọng điểm cháy với tổng diện tích diện tích trên 2.910 ha; trong đó, khu vực rừng đồi núi chiếm diện tích trên 1.900 ha như núi Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn, đồi Kakô và khu vực núi Cấm; khu vực rừng đồng bằng với diện tích trên 1.000 ha, gồm: rừng tràm Trà Sư và rừng tràm Nhơn Hưng.

“Để phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, thị xã Tịnh Biên đã triển khai lực lượng, bố trí phương tiện, dụng cụ phục vụ chữa cháy hiện có tại các xã, phường có rừng; các khóm, ấp ven rừng và các hộ dân sống gần rừng. Đồng thời tuyên truyền, treo băng ron tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các ngã ba, ven rừng, nơi có người dân thường xuyên qua lại, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng”, ông Thuận cho biết.

Trong mùa khô, An Giang quyết tâm phòng cháy rừng tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi phát hiện cháy rừng, nhanh chóng huy động, triển khai lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo cấp báo động và phân cấp huy động.

Theo Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, hiện ban đã triển khai xây dựng đường tuần tra trên diện tích 19,73 ha ở các khu vực núi Sam (Châu Đốc); khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, đồi Ka Cô, núi Cấm, đồi Latina lên Vồ Chư Thần, núi Cấm (thị xã Tịnh Biên); núi Dài, đỉnh núi núi Tô (huyện Tri Tôn)… Đồng thời triển khai đốt chủ động 6 ha rừng thuộc khu vực Núi Sam và huyện Tri Tôn; Phát dọn cỏ làm giảm vật liệu cháy, chăm sóc rừng trên diện tích 171 ha. 

Song song đó, An Giang cũng bố  trí dụng cụ phòng cháy, chửa cháy rừng ở 155 điểm, gồm: 21 máy chữa cháy đồng bằng và đồi núi; 78 máy chữa cháy đeo vai; 13 máy thổi gió cầm tay và đeo vai; 1 xe chữa cháy tự chế, 1 xe bán tải, 3.000 canl nhựa 10 lít cùng một số dụng cụ thủ công khác…  

Để bảo vệ rừng trong mùa khô, ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang bày tỏ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng cháy rừng trên địa bàn quản lý. Đối với các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban quản lý rừng tỉnh khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến đường, vùng đệm tiếp giáp với rừng giảm nguy cơ cháy lan, nhất là các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp hoàn thành trước khi vào cao điểm mùa khô. 

Đối với diện tích rừng đồng bằng tập trung như: rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường Tỉnh Đội, Tân Tuyến nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, ông Hùng cho biết, tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị phải duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, dọn cỏ, vật liệu cháy trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng tránh cháy lan, thuận tiện di chuyển, vận chuyển phương tiện, dụng cụ khi cháy rừng xảy ra.

Trường hợp cháy rừng xảy ra, ông Trương Minh Hùng cho hay, đối với những vụ cháy nhỏ, mức độ thiệt hại thấp, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp chặt chẽ với ban quản lý rừng và chính quyền cấp xã điều tra, truy tìm đối tượng, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Riêng những vụ cháy lớn, mức độ thiệt hại lớn, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp chặt chẽ với công an điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng, xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thanh Sang (TTXVN)
Vườn quốc gia U Minh Thượng tập trung phòng, chống cháy cao điểm mùa khô
Vườn quốc gia U Minh Thượng tập trung phòng, chống cháy cao điểm mùa khô

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2025 nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN