Do đó, ngay từ đầu mùa khô năm nay, tỉnh Tây Ninh đã chủ động tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Diễn tập phòng chống cháy rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh tư liệu: Minh Phú/TTXVN
Chủ động phòng, chống cháy rừng
Tây Ninh hiện có gần 66.491 ha rừng đang được bảo vệ (trong đó có hơn 46.608 ha rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng trồng). Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 16,21%. Toàn bộ diện tích này đều được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các địa phương tổ chức quản lý và bảo vệ.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 10 vụ cháy rừng, với tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 16ha. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, chủ động và kịp thời của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị phòng cháy, chữa cháy, các vụ cháy đã nhanh chóng được kiểm soát, hạn chế tối đa thiệt hại.
Để chủ động phòng ngừa, kéo giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng, từ đầu mùa khô cuối năm 2024, đầu năm 2025, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân đã đề nghị các đơn vị chủ rừng rà soát, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ.
“Trường hợp nếu cháy rừng vượt ngoài tầm kiểm soát của đơn vị, phải thông báo cho Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố và các xã có rừng để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng; trong trường hợp cần thiết thông tin về Ban Chỉ đạo tỉnh (thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo) để huy động các lực lượng của tỉnh phối hợp chữa cháy”, ông Nguyễn Đình Xuân đề nghị.
Hiện đã có nhiều giải pháp được triển khai trên toàn tỉnh. Trong đó, các đơn vị chủ rừng đã chủ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân sống gần rừng, ven rừng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng. Đặc biệt, đã ký bản ghi nhớ, cam kết với các hộ nhận khoán trồng rừng phải có trách nhiệm xử lý thực bì phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích nhận khoán. Ngoài ra, các bảng, biển tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được lắp đặt tại các địa bàn rừng.
Song song đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đơn vị chủ rừng đã xây dựng tháp canh lửa gồm Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát với 7 tháp lửa (3 tháp chất liệu xi măng, 4 tháp chất liệu sắt) và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có 4 tháp canh lửa (trong đó có 2 tháp canh có lắp hệ thống camera quan sát lửa ở rừng). Các đơn vị chủ rừng bố trí các trạm, chốt, Đội Bảo vệ rừng và luôn trong tình trạng sẵn sàng; duy tu sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm phục vụ tốt nhất khi có cháy rừng xảy ra.
Không lơ là, chủ quan
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, đến nay, các đơn vị đã tổ chức tốt việc kiểm tra công tác phòng, chống cháy đối với rừng trồng, với diện tích đã thực hiện trên 80%; những diện tích còn lại sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ rừng thực hiện xong trong tháng 2/2025.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh Tạ Văn Tính, hiện nay, đang vào cao điểm mùa khô, thời tiết khô hanh kéo dài nên không thể chủ quan, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cháy cao như: khu vực rừng giáp biên giới Campuchia, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, khu vực núi Bà Đen trong dịp Hội Xuân.
Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đề nghị các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát, xử lý thực bì; tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng, phương tiện tại những nơi có nguy cơ cháy cao, kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, không cho người dân sử dụng lửa trong rừng, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô.
Riêng đối với các xã có rừng ở 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu, thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng. Đồng thời, rà soát lại các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có giải pháp xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy và xây dựng các đường băng cản lửa khu vực giáp ranh giữa rừng trồng và rừng tự nhiên.
Trong khi đó, rừng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thời gian qua đã ghi nhận có xảy ra cháy rừng. Do đó, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cần chủ động làm việc với các đơn vị khai thác du lịch, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo chủ động về con người và phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã có kế hoạch kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc kiểm tra nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và các hộ dân nhận khoán bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng, chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng và thực hiện có hiệu quả phương pháp chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Từ đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng một cách toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh.
Đến nay, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 đã tổ chức kiểm tra được 8 lượt tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam (rừng lịch sử Bời Lời) và các rừng thuộc huyện Châu Thành, Bến Cầu.
Qua đó, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2025, khắc phục tư tưởng chủ quan của các đơn vị, chủ rừng; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục các thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng đã đề ra.