Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí với nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được các địa phương chuẩn bị chu đáo, triển khai quyết liệt theo phương châm "bốn tại chỗ”.
Sẵn sàng lực lượng và phương tiện
Tiếp nối một năm đầy biến động đối với ngành lâm nghiệp Yên Bái, hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng hanh, khô hạn kéo dài, bão lũ bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng. Các khu vực rừng trọng yếu tại nhiều địa phương Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên vẫn còn hiện tượng người dân đốt nương, đánh bắt ong bằng khói lửa, thường xuyên đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao.
Những ngày đầu năm 2025 trên địa bàn Yên Bái xảy ra một số vụ cháy rừng nhỏ lẻ, tuy đã được dập tắt kịp thời và không gây thiệt hại lớn nhưng là lời cảnh báo khẩn cấp cho chính quyền cơ sở và nhân dân trong phòng, chống cháy rừng, nhất là khu vực rừng nguyên sinh, đầu nguồn. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng chục ha rừng, đáng chú ý làm cháy hơn 21 ha rừng tự nhiên.
Ông Trần Xuân Dưỡng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, để bảo vệ hơn 80.000 ha rừng trên địa bàn, ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm đã bố trí cán bộ xuống bám, nắm địa bàn; phối hợp tuần tra những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao; thực hành báo động huy động các lực lượng ứng cứu trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng. Toàn huyện duy trì 62 tổ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với tổng số trên 650 người.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các bản, tổ bảo vệ rừng cơ sở rà soát, thống kê diện tích nương rẫy gần rừng, hướng dẫn người dân kỹ thuật làm rẫy; ứng trực 24/24h sẵn sàng cho mọi tình huống, nhất là duy trì chế độ trực trên điểm cao các chòi canh lửa để chủ động phát hiện sớm cháy rừng. Nhờ đó, đã dập tắt kịp thời 2 vụ cháy trong 1 tuần gần đây, khống chế không để ngọn lửa bùng phát và lan rộng.
Tai huyện vùng cao Trạm Tấu đã thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở 12 xã, thị trấn; kiện toàn Ban quản lý rừng phòng hộ với 311 thành viên. Tại các thôn, bản thành lập và luôn duy trì 55 tổ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với tổng số trên 500 người.
Ông Lại Văn Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng huyện Trạm Tấu cho biết, ngoài việc duy trì đủ lực lượng phòng chống cháy rừng tại cơ sở, các xã đều xây dựng phương án huy động nhân dân khi sự cố cháy rừng xảy ra. Bước vào mùa khô năm nay, toàn huyện huy động hơn 3.000 ngày công tham gia phát dọn 9 đường băng cản lửa với chiều dài 18 km, tu sửa 11 chòi, lán canh lửa.
Cũng như nhiều địa phương khác, các tổ phòng cháy chữa cháy rừng nòng cốt trên toàn huyện Trạm Tấu được trang bị bảo hộ tối thiểu, như quần áo, mũ phóng cháy, gang tay, mặt lạ chống khói... cùng nhiều thiết bị như camera giám sát, máy bơm nước, máy cắt cây, máy thổi lá, máy phun nước, dao phát... Một số địa phương ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ cao trong bảo vệ và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng.
Chủ động nhiều biện pháp ứng phó
Để phòng ngừa, chủ động ứng phó với nguy cơ cháy, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại, kiểm lâm Yên Bái đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cháy rừng tới từng thôn bản, địa phương. Trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; ký cam kết gắn trách nhiệm với quyền lợi giao khoán bảo vệ rừng cho người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Kiều Tư Giang cho biết, ngành tham mưu ban hành đầy đủ hệ thống văn bản và triển khai sâu rộng xuống cơ sở, tới từng thôn, bản đối với phòng chống cháy rừng; định kỳ giao ban giữa các lực lượng phối hợp các cấp để thông tin tình hình thời tiết, cảnh báo cháy rừng; xây dựng bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao; đầu tư sửa chữa, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát, hệ thống cảnh báo thông suốt từ tỉnh tới cơ sở.
Lấy lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt, phối hợp với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể thường xuyên cử cán bộ đến địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền về phòng chống cháy rừng; lồng ghép với các cuộc họp chi bộ, họp dân, họp các đoàn thể để tuyên truyền quy định, chính sách liên quan đến bảo vệ rừng, cách thức xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa, quy định rõ những trường hợp được phép đốt nương; ký cam kết tới từng hộ dân trong bảo vệ rừng.
Trong suốt 4 tháng mùa khô, cấp cơ sở luôn sẵn sàng huy động lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra; có phương án hiệp đồng, hỗ trợ nhau giữa các địa phương. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình khai thác lâm sản trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng; nghiêm cấm đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả gia súc trong thời điểm khô hanh.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ Nguyễn Duy Sơn cho hay, khi nhận được thông tin bất lợi của thời tiết, mức độ dự báo, cảnh báo cháy rừng từ cấp 2 trở lên, cán bộ kiểm lâm địa bàn phải duy trì trực 100% quân số, 24/24 giờ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Các lực lượng tham gia ứng cứu được huấn luyện nắm chắc địa bàn xung yếu, có nguy cơ cháy cao, thông thạo đường đi lối lại, sử dụng thành thục các công cụ hỗ trợ; chuẩn bị kỹ phương án huy động lớn nhất người dân tham gia và luyện tập phương án chữa cháy rừng sát với yêu cầu thực tế.
Theo dự báo, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2025 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2024. Tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng của người dân, dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì trong suốt thời kỳ cao điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.
Đặc biệt, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và chủ rừng, xây dựng lực lượng đủ sức ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để cháy rừng và cháy lớn. Nếu xảy ra cháy rừng phải kịp thời chỉ đạo điều tra, xác định và làm rõ nguyên nhân, mức độ rừng bị thiệt hại. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm và đối tượng gây ra cháy rừng đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.