Cửa hàng, siêu thị cùng vào cuộc
Là người thường xuyên mua rau củ tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (phố Hoa Lư, Hà Nội), chị Việt Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) rất bất ngờ khi mấy ngày nay cửa hàng này gói thực phẩm bằng lá chuối. Những củ cà rốt, dưa chuột được gói xinh xắn trong tấm lá chuối xanh, xếp ngay ngắn trên các quầy hàng trông rất bắt mắt.
“Sau khi tìm hiểu, tôi được biết đây là trào lưu đang rất “hot” tại Việt Nam. Tôi nghĩ không chỉ lá chuối mà có thể sử dụng cả các loại lá khác như lá dong, lá sen để gói thực phẩm, rất an toàn lại thân thiện môi trường”, chị Việt Nga cho hay.
Hiện nay, hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm ở Hà Nội đã thử nghiệm ở quy mô nhỏ và sẽ áp dụng đại trà trong thời gian tới. Giá hàng hóa không thay đổi sau khi được bao gói bằng lá chuối.
Quản lý của cửa hàng Bác Tôm trên phố Hoa Lư cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng đại trà. Hiện tại, chúng tôi tính toán lại chi phí, nguyên liệu đầu vào để phù hợp nhất”.
Còn tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các mặt hàng từ rau thơm, rau diếp cá, măng tây, ngổ, húng... đều được bó bằng lá chuối. Hình ảnh nông sản tươi xanh được bọc bằng lá chuối dễ làm người tiêu dùng liên tưởng đến những phiên chợ quê.
“Việc dùng lá chuối để bọc rau củ hay miếng thịt lợn ở các phiên chợ vùng quê không có gì xa lạ, tuy nhiên ở thành phố lại là điều hiếm. Có thể vì lý do tiện lợi nên túi nilon được ưa chuộng nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc thay đổi, cái gì có thể thay đổi để tốt hơn thì nên thay đổi”, chị Lê Giang, một bà nội trợ chia sẻ.
Tại hệ thống siêu thị này, việc sử dụng túi nilon tự hủy và túi Lohas – loại túi tái sử dụng, thân thiện môi trường trước đây đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng. Để hưởng ứng Ngày Trái đất 22/4, từ ngày 1/4, các siêu thị Big C tại Hà Nội như Big C Thăng Long, Big C Long Biên, Big C Hà Đông, Big C Lê Trọng Tấn… đã chính thức bao gói rau bằng lá chuối.
“Khi mua sắm sản phẩm rau tại các siêu thị Big C, người tiêu dùng đã góp phần tham gia vào công tác bảo vệ môi trường thông qua hành vi mua sắm chọn thực phẩm bọc lá chuối, hạn chế tối đa sử dụng túi nilon”, đại diện siêu thị Big C cho biết.
Để hoạt động đi vào thực chất
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết khách hàng (đặc biệt là các bà nội trợ) đều hài lòng và cảm thấy thích thú với cách gói sản phẩm mới. Tuy nhiên, cách làm này chủ yếu vẫn mang tính thí điểm và thăm dò thị trường.
Đại diện hệ thống Bác Tôm cho biết, cửa hàng không hoàn toàn sử dụng lá chuối để thay thế túi nilon. Thời gian tới, cửa hàng dự định dùng thêm các túi giấy dễ phân hủy.
Hệ thống siêu thị Big C cũng áp dụng thí điểm bao gói rau bằng lá chuối liên tục trong 1 tháng, chủ yếu tại các siêu thị nội thành Hà Nội, sau đó sẽ quyết định chiến lược dài hạn cho phong trào này.
Theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng hữu cơ Organic), phong trào này khá hay nhưng việc thực hiện phải theo lộ trình và theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Việc thay đổi thói quen tiêu dùng phải có kế hoạch lâu dài chứ không thể chạy theo phong trào. Đối với cửa hàng chúng tôi, để giảm sử dụng túi nilon, chúng tôi đã sử dụng túi sinh học dễ phân huỷ, còn việc sử dụng lá chuối không thể nói là làm ngay được”, bà Thảo nói.
Bà Thảo giải thích thêm, những sản phẩm của chuỗi cửa hàng đều phải đạt tiêu chuẩn Organic châu Âu và Mỹ nên kể cả lá chuối hay lá dong dùng để bọc sản phẩm cũng phải đạt chuẩn này. Vì vậy, việc làm này cần có lộ trình.
Thực tế, việc bao gói thực phẩm bằng lá chuối sẽ buộc các cửa hàng, siêu thị tốn nhiều công sức, nhân lực hơn, từ khâu tìm nguồn mua lá, phân loại, sơ chế, bao gói… trong khi giá hàng hóa không được tăng thêm. Chưa kể, lá chuối chỉ phù hợp bao gói một số loại thực phẩm chứ không phải tất cả.
Mặt khác, lá chuối hay các loại lá nói chung chỉ có thể bọc gói một số ít loại thực phẩm, hàng hóa. Nếu bà nội trợ đi chợ mua nhiều thứ thì việc vận chuyển gặp một số bất tiện. Và việc các loại thực phẩm bọc bằng lá chuối rồi lại bỏ vào túi nilon xách về rất có thể sẽ xảy ra. Do vậy, cần thay đổi từ gốc rễ thói quen mua sắm của người tiêu dùng, như có thể mang làn hoặc các loại túi to sử dụng nhiều lần để đi chợ. Các loại lá dùng để bọc gói thực phẩm cũng cần được thiết kế sao cho người tiêu dùng tiện xách hàng về, cũng như túi nilon “bùng nổ” như hiện nay cũng bởi nó quá thuận tiện.
Theo các chuyên gia môi trường, chỉ mất 1 giây để vứt đi 1 túi nilon nhưng lại mất từ 500 – 1.000 năm để nó phân hủy trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời. Hậu quả của chất thải nhựa và túi nilon với môi trường là rất nghiêm trọng.