Trận 'cầu' của những học sinh khiếm thị

Trái bóng tròn lách cách lăn theo vạch biên, một nam sinh khiếm thị "quần đùi, áo số" dò dẫm từng bước nhỏ không để lạc bóng. Hai cánh tay mảnh khảnh của cậu quơ ngang quá hông để "chắn" đối phương, dẫn bóng sát đến khung thành... khung thành được làm từ những ống nước bằng nhựa cỡ lớn, cậu bé sút thẳng. Khán giả ồ lên vui vẻ. Khuôn mặt cầu thủ "nhí" rạng rỡ, tươi cười đón nhận những lời chia sẻ.


Nguyễn Thị Thanh, cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn, dễ thương trong bộ đồ thể thao đứng bá vai bạn nữ phía trước. Bất chấp việc không nhìn được đám bạn bè cùng trường đang quần thảo trên sân bóng, cô học sinh khiếm thị “xem” trận cầu theo cách của riêng mình. Thanh lắng nghe tiếng bóng lăn trên sân, tiếng chúng bạn í ới gọi nhau và tưởng tượng diễn biến cuộc so tài. Thỉnh thoảng Thanh tủm tỉm cười và reo to, giậm chân tiếc rẻ trước một cơ hội ăn bàn bị bỏ lỡ.


Nguyễn Thị Thanh vào Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu được 9 năm. Ngoài việc học, Thanh tham gia tập luyện trong đội điền kinh của trường. Hôm nay, trong lúc đợi đến giờ thi đấu của đội điền kinh, Thanh cùng Trần Thị Nức, cô bạn mắt sáng cùng lớp sang sân bóng đá cổ vũ cho hai đội bóng của trường.


Được cùng nhau tranh tài với trái bóng là ước mơ của những trẻ em khiếm thị.


Trong lúc này, trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu diễn ra thật đặc biệt. Mười cầu thủ trên sân, ngoại trừ thủ môn là người bình thường, những người còn lại đều chỉ thấy lờ mờ hoặc bị mù hẳn. Tất cả đều quấn trên đầu chiếc băng bảo vệ khá dày để bảo hiểm phòng khi va chạm.


Riêng một số cầu thủ "nhí" do còn thấy lờ mờ thì phải đeo thêm một cuộn băng dày che trước mắt. Bóng trong chân cầu thủ nào thì cầu thủ đó liên tục hô "thôi, thôi" để tránh va chạm với đồng đội và đối phương.


Nhận được nhiều sự cổ vũ của khán giả là Đào Xuân Trung. Cậu bé khiếm thị 14 tuổi này đá vị trí hậu vệ nhưng lại “thần tượng” anh chàng tiền đạo người Anh Rooney. Trận đấu hôm nay, Trung chơi khá chắc chắn ở tuyến dưới.


Cậu bé cao dong dỏng này được nhận xét là có năng khiếu, cảm nhận về không gian và định vị trái bóng khá tốt. Trước đây, được đá bóng là điều khá xa vời với Trung. Nhưng khi cậu bé vào học Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu thì ước mơ sân cỏ đã thành sự thật. Hàng ngày, Trung cùng chúng bạn trong trường tập bóng theo sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Nguyễn Tiến Nam. Em được dạy từ cách nghe hiệu lệnh chơi bóng, cách chạy lên dẫn bóng về phía khung thành, cách phân biệt tiếng bóng nảy trên sân đến cách sút bóng sao cho chuẩn, cho đến cả không để mất bóng và giảm tai nạn cho chính bản thân.


"Khi dạy cho em những kỹ thuật chơi bóng, thầy giáo (kiêm HLV) vừa nói, vừa cầm chân em đặt vào trái bóng rồi uốn nắn cho biết thế nào là chơi bằng mu chân phải hay chân trái... Vì thế mà sau một thời gian, em đã không còn cảm giác hồi hộp, lo âu. Thay vào đó là tự tin, hào hứng. Có cảm giác trái bóng gắn bó với em từ lâu lắm rồi"- Trung tâm sự.


Hào hứng kể về niềm đam mê với trái bóng tròn của mình, Cù Văn Minh, học sinh lớp 7A, đồng đội của Đào Xuân Trung, cho biết: Em mê đá bóng từ thưở lên 7,8 tuổi. Ngày đó em vẫn nhìn được một bên mắt, nhưng lên 10 tuổi thì không còn nhìn thấy gì. Lúc ấy, Minh bi quan cho rằng người khiếm thị không thể chơi bóng được nữa.


Nhưng khi nhập học Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, chứng kiến các bạn đá bóng thì Minh thay đổi suy nghĩ. Cậu lập tức đăng ký môn bóng đá và thỉnh thoảng còn chơi cờ vua và chạy điền kinh.


Cùng với Đào Xuân Trung, Minh tham gia nhiều giải bóng đá dành cho học sinh khiếm thị như Hội khỏe Phù Đổng và Hội thi Thể thao Học sinh Khuyết tật Toàn quốc Lần thứ III và lần thứ IV mới đây. "Hồi mới tập bóng thì khó khăn nhất là làm sao để nghe được tiếng bóng và định hướng sân. Nhưng giờ thì em thấy bình thường. Bóng đá là môn thể thao mang tính tập thể, bọn em tập với nhau nhiều nên đã quen tiếng của các thành viên trong đội. Bây giờ chúng em còn đặt tên riêng cho đội bóng của mình. Áo đỏ là Manchester United, còn áo xanh là Chelsea”- Cù Văn Minh bẽn lẽn nói.


Chia sẻ niềm vui với các học trò, thầy Nguyễn Tiến Nam - người từ 2 năm nay vừa là huấn luyện viên, vừa là trọng tài cho các đội bóng đá của Trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: Anh là giáo viên dạy toán, nhưng biết học trò trong trường mê đá bóng, sẵn có chút sở thích và năng khiếu môn này, nên đã dành thời gian dạy cho các em. Những học sinh thích môn này đều được tập hợp lại và huấn luyện.


Thầy Nam tâm sự: "Thật ra, đối với người mắt sáng, hướng dẫn họ đá bóng là chuyện bình thường nhưng với trẻ khiếm thị thì đó là điều khó khăn. Tuy nhiên, khi có cái tâm thì mọi việc trở nên không quá khó. Vui một điều là từ ngày tôi dạy, chưa bao giờ thấy các em tỏ ra nản chí. Hơn nữa, các em chơi cũng khá tốt đấy".


Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, ông Thái Văn Khoa cũng bộc bạch những suy nghĩ ấm áp khi nói về phong trào thể thao của các em học sinh khiếm thị ở trường: "Ngoài văn hóa, chúng tôi chú trọng rèn luyện sức khỏe cho các em vì có sức khỏe, các em mới học tốt được và tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập cuộc sống. Chúng tôi đang cố gắng đưa các hoạt động ngoại khóa thành hoạt động thường xuyên để các em có niềm tin rằng, xã hội luôn gần gũi, nâng bước các em. Vui một điều là vừa rồi, tại Hội thi Thể thao Học sinh Khuyết tật Toàn quốc lần thứ IV ở Thái Bình thì đội bóng của trường cũng được giải Ba, các em nữ được một giải Nhất, hai giải Nhì điền kinh. Đặc biệt có 2 học sinh khiếm thị được giải trong Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 41".



Anh Tùng

Điện thoại thông minh cho người khiếm thị
Điện thoại thông minh cho người khiếm thị

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, một mẫu điện thoại thông minh được thiết kế riêng cho người khiếm thị có tên gọi là Georgie vừa được tung ra thị trường nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN