Chỉ còn nhìn thấy lờ mờ ánh sáng và các hình khối nhưng nữ họa sĩ người Mỹ Bojana Coklyat không chỉ kiên trì theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình mà còn nhiệt tình truyền lại niềm đam mê này cho những trẻ em khiếm thị, với mong muốn giúp các em có thể nhìn thấy thế giới theo một cách khác.
Nữ họa sĩ Coklyat trong lớp dạy vẽ tại Trường Khiếm thị Saint Joseph. Ảnh: Internet |
Coklyat (33 tuổi), bị mất gần như hoàn toàn thị lực cách đây 4 năm do di chứng của căn bệnh tiểu đường. Cô buộc phải từ bỏ công việc yêu thích tại một phòng tranh nghệ thuật và trong nỗi tuyệt vọng, Coklyat đã buông cả những cây cọ vẽ.
Đó là Coklyat của quá khứ. Coklyat của hiện tại tràn đầy nghị lực, với nụ cười tươi rói đón chào du khách tới thăm Trường Khiếm thị Saint Joseph tại thành phố Jersey (bang New Jersey, Mỹ). Là một họa sĩ thực thụ, Coklyat đã không vì bất hạnh của bản thân mà từ bỏ tình yêu nghệ thuật. Cô tình nguyện làm giáo viên dạy vẽ cho những học sinh khiếm thị của trường Saint Joseph sau khi nhận thấy rằng "ngôi trường này có lớp mỹ thuật rất đẹp nhưng lại không có giáo viên dạy mỹ thuật". Ban đầu, ý tưởng của Coklyat đã "gây sốc" cho toàn bộ giáo viên và học sinh của Saint Joseph nhưng 2 năm sau đó, tất cả đều phải công nhận rằng cô giáo dạy mỹ thuật Coklyat là người không thể thiếu của trường này.
Trong một tiết học mỹ thuật gần đây, Coklyat dạy vẽ cho hai thiếu niên và 9 trẻ nhỏ khiếm thị. Trong các học sinh của cô, một số có khả năng nhận biết màu sắc rất kém, số khác không có khả năng phân biệt các màu sắc khác nhau. Coklyat liên tục đi lại giữa các nhóm học sinh, dừng lại ở cậu bé Kevin (17 tuổi), cô nhắc Kevin tiếp tục hoàn thành nốt bức tranh vẽ dở từ tuần trước. "Em muốn dùng màu gì?", Coklyat nhẹ nhàng hỏi, cầm tay Kevin hướng dẫn từng nét vẽ rồi đưa cho cậu màu vẽ và cây cọ. Trong khi đó, cậu bé Omar (15 tuổi) đã bắt đầu quen với việc nhận biết màu sắc qua các cụm từ "niềm hy vọng", "nỗi sợ hãi" và "lòng tốt". "Hy vọng giống một cái gì đó trong vắt và sáng, vì vậy tôi đã chọn màu trắng để biểu thị cho niềm hy vọng", Omar tâm sự. Ở một góc khác cuối lớp học, lũ trẻ đang bắt đầu thiếu kiên nhẫn, "Em chẳng biết bắt đầu từ đâu. Em muốn tô màu hồng" - một cô bé khóc thút thít. Coklyat gợi ý cho cô bé vẽ mùa xuân và những đóa hoa, ngay lập tức cô trò nhỏ ngừng khóc và cắm cúi vào bức tranh của mình.
Những bức tranh của các học sinh khiếm thị trông khá vụng về nhưng theo Coklyat, điều quan trọng đối với các em không phải là vẽ nên một bức tranh đẹp mà vẽ tranh chính là "một tiến trình sáng tạo". "Lũ trẻ hào hứng với việc vẽ tranh. Điều đó thực sự quan trọng với các em. Bởi đó là một cách để thể hiện bản thân mình. Tạo ra một bức tranh mang lại cho các em cảm giác đạt được mục đích".
Ngoài giờ lên lớp, Coklyat ở nhà và vẽ, khuôn mặt cúi gần bức vẽ. Cô thích những mảng màu lớn với những gam màu rực rỡ và sống động. Coklyat cho biết phong cách mỹ thuật của cô đã thay đổi nhiều kể từ khi cô gặp vấn đề về sức khỏe. "Hiện tôi ít tập trung vào các tiểu tiết của bức tranh mà tập trung nhiều hơn vào việc biểu đạt cảm xúc trong tranh. Tôi sử dụng nhiều gam màu tương phản và chói sáng hơn. Tôi ngạc nhiên và vô cùng xúc động khi có không ít người yêu hội họa nhận thấy mối liên hệ giữa nghệ thuật và cảm xúc trong những bức tranh của tôi", Coklyat nói.
Mới đây, Coklyat đã trải qua một ca cấy ghép thận và tuyến tụy. Tình trạng sức khỏe được cải thiện cũng là lúc những dự án nghệ thuật mới dần hình thành trong tâm trí Coklyat. Nữ họa sĩ có niềm đam mê hội họa bất tận này đang chuẩn bị mở các cuộc triển lãm tranh và trong tương lai, cô mong muốn trở thành một nhà trị liệu về nghệ thuật để truyền đạt kinh nghiệm và tình yêu hội họa của mình.
Hồng Hạnh (Theo AFP)