Trà Vinh khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở có liên quan và các địa phương áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở ở các khu vực xung yếu.

Ngày 16/10, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết vừa chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng UBND thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và các huyện Duyên Hải, Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú khẩn trương tiến hành khảo sát và áp dụng các biện pháp, phương tiện tại chỗ để gia cố, bảo vệ toàn bộ các tuyến đê bao, đê biển, bờ sông có nguy cơ cao bị sạt lở do triều cường và mưa bão trong những tháng cuối năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các sở có liên quan và các địa phương áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở ở các khu vực xung yếu, như: bờ biển ấp Cồn Nhàn (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải); tuyến bờ sông Cổ Chiên, thuộc cù lao ấp Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh); tuyến bờ sông Láng Thé (xã Đại Phước, huyện Càng Long), tuyến ven sông Hậu (các xã An Phú Tân, Ninh Thới, Hòa Tân, huyện Cầu Kè).

Cụ thể, các đơn vị, địa phương được UBND tỉnh giao trách nhiệm phải khẩn cấp gia cố điểm sạt lở bờ biển ấp Cồn Nhàn dài 900m; khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cổ Chiên dài 950m; khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Láng Thé dài 2.000m. Cùng với việc khắc phục sạt lở, các địa phương phải triển khai các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực đang bị sự cố sạt lở; cắm biển báo khu vực sạt lở và chuẩn bị phương tiện tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn khi sạt lở xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Tỉnh Trà Vinh có hơn 65km bờ biển, có hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và nhiều sông ngòi. Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cộng thêm nạn khai thác cát sông trái phép ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa bão. Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh có hơn 100 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông ở các mức độ khác nhau.

Trong ba năm gần đây, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vào thời điểm gió mùa Đông Bắc thổi mạnh kết hợp với triều cường, nước biển dâng cao đã làm sạt lở gần 25km đê sông, đê biển; gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực.

Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã khắc phục gần 11km đê sạt lở và đang tiếp tục sửa chữa các đoạn đê biển bị sạt lở còn lại. Cùng với đó, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình đê, kè ven biển, đê bao kết hợp giao thông ven sông để chắn sóng, ngăn sạt lở.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư theo từng giai đoạn, một số công trình không được thực hiện đồng bộ nên tình trạng sạt lở chưa được khắc phục hoàn toàn. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bão, triều cường, nước biển dâng thường xảy ra theo từng năm với mức độ ngày càng cao hơn, gây nên tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phúc Sơn (TTXVN)
Bạc Liêu: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ biển
Bạc Liêu: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ biển

Theo số liệu khảo sát tháng 7/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tuyến đê biển Đông Bạc Liêu có khoảng 15 km thường xuyên bị sạt lở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN