TP.HCM phát triển mô hình “Bác sĩ gia đình”

Mục tiêu đến năm 2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 100% trạm y tế phường, xã sẽ được xây dựng mô hình "Bác sĩ gia đình". Đến năm 2020, mô hình này sẽ được thực hiện tại tất cả các đơn vị y tế của thành phố, bao gồm Bệnh viện tuyến quận, huyện, Thành phố và các cơ sở y tế tư nhân. Đó là mục tiêu cụ thể của Đề án xây dựng mô hình “Bác sĩ gia đình” được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giới thiệu ngày 12/11.

Nhân viên y tế xã Dục Tú khám cho người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng theo mô hình "Bác sĩ gia đình” tại Hà nội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


"Bác sĩ gia đình" là mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Người bệnh bị bệnh nhẹ sẽ được giải quyết tại phòng khám bác sĩ gia đình chứ không phải đến bệnh viện, nếu cần thiết sẽ được chuyển lên đúng tuyến. Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu xuất hiện từ năm 2002, tuy vẫn còn mới mẻ. Năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình phòng khám "Bác sĩ gia đình" tại 10 bệnh viện quận, huyện như bệnh viện Tân Bình, Tân Phú, quận 2, quận 1, quận 10… và 30% trạm y tế xã, phường. Bước đầu Phòng khám gia đình đã thu hút người dân đến khám chữa bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Hiện nay, việc thực hiện mô hình "Bác sĩ gia đình" ở trạm y tế xã, phường còn nhiều trở ngại, cả về điều kiện vật chất, con người và cơ chế thực hiện. Trạm y tế hiện trực thuộc Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện - đơn vị chưa được phép ký kết trực tiếp với Bảo hiểm y tế; Trạm Y tế muốn làm bảo hiểm y tế cho người dân thì phải thông qua các bệnh viện quận, huyện. Đây là rào cản trong việc phát triển mô hình "Bác sĩ gia đình".

Giai đoạn đầu chỉ nên làm thí điểm và có chính sách hỗ trợ, đầu tư thật sự cho một số Trạm Y tế, nếu làm tốt thì mới nhân rộng. Một số Trạm y tế phường, xã trên địa bàn có vị trí tốt thì nên xây dựng, phát triển thành một phòng khám gia đình thu nhỏ, với sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên. Đồng thời, thực hiện chuẩn hóa luôn các xét nghiệm tại Trạm y tế , tránh tình trạng phải làm lại xét nghiệm ở tuyến trên, gây tốn thêm chi phí tiền bạc của Nhà nước và người dân.

Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, mô hình phòng khám "Bác sĩ gia đình" sẽ tạo được niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Đặc biệt là góp phần giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Để thực hiện đề án, Sở Y tế thành phố cũng đang xây dựng hệ thống thông tin quản lý bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh bác sĩ gia đình và bệnh viện. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn thực hành khám chữa bệnh và chuyển bệnh của mạng lưới bác sĩ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh; Đầu tư về trang thiết bị phục vụ cho phòng khám bác sĩ gia đình tại các Trạm y tế.


H.Chung
Nỗ lực triển khai mô hình bác sĩ gia đình
Nỗ lực triển khai mô hình bác sĩ gia đình

Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thí điểm 20 mô hình bác sĩ gia đình, trong đó có 15 mô hình ngoài công lập. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN