Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thí điểm 20 mô hình bác sĩ gia đình, trong đó có 15 mô hình ngoài công lập. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại.
Ghi nhận tại xã Dục Tú
Thiếu nhân lực, kinh phí và cả chính sách khuyến khích đi cùng nên mô hình bác sĩ gia đình của Hà Nội hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Người dân hồ hởi
“Nói thực, nhận triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) là vất vả thêm cho cán bộ trạm y tế (TYT). Sau hơn 1 năm triển khai đến nay, chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ gì về kinh phí, trang thiết bị. Nhưng bù lại, bà con trong xã được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được phát hiện bệnh sớm tránh được tình trạng bệnh nặng mới đi khám, góp phần giảm chi phí khám bệnh, thời gian đi lại, chờ đợi và giảm quá tải bệnh viện (BV)”, BS Lê Bắc, Trưởng TYT xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.
Nhân viên y tế xã Dục Tú (huyện Đông Anh) trao đổi thông tin vắcxin trước khi tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, cho biết: “Nếu mô hình BSGĐ được triển khai rộng hơn thì sẽ rất tốt, vì chúng tôi được phát hiện bệnh và điều trị sớm. Như gia đình tôi, may có lần khám sàng lọc hồi tháng 8/2012, mới phát hiện ra con trai tôi bị bệnh ung thư phổi. Nếu không, giờ không biết con tôi sẽ như thế nào”.
Theo bà Tuyết, tại thôn Đồng Dầu, chỉ có 12 người được tham gia mô hình BSGĐ, trong đó gia đình bà Tuyết là 5 người. Lúc đầu, chưa hiểu gì về mô hình BSGĐ, bà Tuyết và người thân vẫn chưa thực sự tin tưởng. Thậm chí, con trai bà còn chẳng muốn đi khám sàng lọc sức khỏe theo tuyên truyền của cán bộ TYT.
“Hồi đó, tôi vẫn khỏe mạnh, lại bận đi lái xe nên thấy phải nghỉ làm để lên TYT khám sức khỏe thì rất ngại. Đang khỏe thì ai đi khám làm gì. Sau đó, gia đình động viên mãi thì tôi mới đi khám. Nào ngờ, kết quả kiểm tra từ lần khám đó đã cho thấy, tôi bị ung thư phổi”, anh Nguyễn Văn Lân, con của bà Tuyết, kể lại.
Do phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm, nên anh Lân đã kịp thời được tư vấn, chuyển lên BV K để điều trị. Nhờ vậy, tới khi gặp chúng tôi, sức khỏe của anh vẫn khá ổn định. Do đó, anh Lân, bà Tuyết đều mong muốn: “Cần duy trì và mở rộng việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm cho người bệnh, đồng thời tuyên truyền về mô hình BSGĐ nhiều hơn để người dân hiểu về mô hình này”.
Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện bệnh sớm chỉ là một trong rất nhiều lợi ích mà mô hình BSGĐ có thể đem lại. Bởi lẽ, khi tham gia mô hình BSGĐ, người bệnh sẽ được khám sức khỏe toàn diện để lập hồ sơ bệnh án. Và qua nghiên cứu, BSGĐ có thể giải quyết được 70 - 80% các vấn đề bệnh tật thông thường cho bệnh nhân và gia đình họ. Người bệnh sẽ được chữa bệnh từ khi bệnh còn nhẹ, tránh tình trạng bệnh nặng mới đi khám. Như vậy, sẽ giảm thời gian, kinh phí điều trị, cũng như giảm tình trạng quá tải cho BV tuyến trên…
Vẫn thiếu trăm bề
Theo BS Lê Bắc, TYT xã Dục Tú không phải là đơn vị đầu tiên của Hà Nội triển khai mô hình BSGĐ. Trước đây, giai đoạn năm 2001 - 2008, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình BSGĐ tại một số xã trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động không được như mong đợi.
“Mô hình BSGĐ tại TYT xã Dục Tú cũng đang gặp những khó khăn tương tự giai đoạn trước đây. Cả trạm chỉ có tôi là BS, trang thiết bị y tế tại đây cũng chỉ có ống nghe, máy đo huyết áp và một số trang thiết đơn giản khác nên chỉ quản lý, khám được bệnh thông thường. Từ ngày thành lập đến nay, cũng mới chỉ tổ chức được 1 lần khám sức khỏe định kỳ cho bà con vì khó khăn về kinh phí, nhân lực. Hiện mô hình cũng chỉ tiếp nhận khoảng 150 thành viên”, BS Bắc chia sẻ.
Hơn nữa, công tác chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc BHYT, chứ không được chuyển theo bệnh. Hiện các cán bộ tại TYT đang phải đảm nhiệm rất nhiều đầu việc: Khám chữa bệnh ban đầu, y tế dự phòng, đỡ đẻ thường, tiêm chủng mở rộng… Việc thì nhiều, sức người lại có hạn, nên công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống TYT lâu nay chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu người bệnh. Do đó, giờ triển khai mô hình BSGĐ tại TYT mà nhân lực và cơ chế tài chính vẫn vậy thì e sẽ lại “giậm chân tại chỗ”.
“Xã Dục Tú có 17.000 dân, nếu để triển khai mô hình BSGĐ hiệu quả thì cần thêm ít nhất 2 BS nữa. Ngoài ra, chúng tôi cần tăng cường thêm một số trang thiết bị y tế như máy xét nghiệm máu, máy điện tim… Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cần có chính sách khuyến khích để thu hút người học và làm công tác BSGĐ. Hiện nay, rất ít cán bộ y tế muốn theo học chuyên ngành này, khó khăn trong quá trình triển khai mô hình BSGĐ tại TYT xã Dục Tú cũng đang là khó khăn chung của các địa phương khác”, BS Lê Bắc nhấn mạnh.