TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài cuối: Củng cố y tế cơ sở, giữ vững 'vùng xanh'

Nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, thực hiện “mục tiêu kép” hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cũng như xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố. Qua đó, giữ vững thành quả là “vùng xanh”, đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường, sôi động vốn có.

Chú thích ảnh
Tuyến y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể mới xâm nhập, đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại Thành phố; chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại Thành phố.

Thực tế những ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua cho thấy sự chủ động của Thành phố, đặc biệt là ngành y tế đã phát huy hiệu quả, bước đầu “khắc chế” sự lây lan của biến chủng này trong cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 24/1, Thành phố ghi nhận thêm 15 ca nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng này ở thành phố lên 88, trong đó có 5 ca cộng đồng, còn lại là nhập cảnh và được cách ly theo dõi. Theo ông Tâm, tất cả 5 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng mới được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh đều liên quan đến ca nhiễm đầu tiên là người phụ nữ 41 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về Nha Trang, sau đó về lưu trú tại TP Hồ Chí Minh.

Trong kế hoạch, UBND Thành phố đã tập trung triển khai tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại thành phố; tăng cường cập nhật thông tin trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm; chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả. Thành phố triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp Thành phố đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra. Thành phố tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID -19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động khi có yêu cầu.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ trước khi phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó theo từng kịch bản với quy trình kiểm soát rất chặt chẽ đối với người nhập cảnh qua các cửa khẩu cả đường biển và đường hàng không. Thành phố cũng chuẩn bị khu cách ly, riêng đối với các trường hợp nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 chờ kết quả giải trình tự gene. Với trường hợp cho kết quả giải trình tự gene là chủng Omicron được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị. “Với sự chuẩn bị trước nên những ngày qua ngành Y tế Thành phố đã xử lý các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron với tâm thế chủ động”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Về việc TP Hồ Chí Minh xuất hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân không quá hoang mang, lo lắng. Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó biến chủng này. Thành phố đề nghị người dân hết sức bình tĩnh, nhưng không chủ quan, tiếp tục thực hiện 5K và tiêm vaccine đầy đủ.

Củng cố các chiến lược y tế

TP Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm Chiến lược bao phủ vaccine phòng COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Về chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh xác định đây một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.

Để thực hiện chiến lược này, Thành phố tập trung vào các giải pháp như ưu tiên tiêm vaccine cho người dân quay về Thành phố từ các địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 và mở rộng độ bao phủ vaccine cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.

Đối với chiến dịch kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới, Thành phố triển khai các giải pháp gồm xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, Thành phố chủ động phát hiện và cập danh sách người F0 và người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức; hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung; “Mỗi F0 điều trị tại nhà - Một hồ sơ bệnh án điện tử”; huy đông mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị; “đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ”.

Cuối cùng, đối với chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, UBND TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh ngang tầm các nước trong khu vực; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, dự báo dịch bệnh. Đồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; phát huy hiệu quả phối hợp giữa y tế với lực lượng vũ trang nhân dân, huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc xác định và phát triển các chiến lược y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Những nguyên tắc khi xây dựng và triển khai các chiến lược y tế là đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn; trong tổ chức thực hiện, phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sĩ, người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Các chiến lược cũng tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin.

“Năm 2021 đang dần lùi xa cùng những hậu quả đau thương, những mất mát, bi hùng nhưng trách nhiệm, tình người, lòng trắc ẩn, sự tri ân, kinh nghiệm, cả niềm tin và bổn phận phải phục hồi và phát triển vẫn còn là vốn quý trong hành trang bước vào năm 2022.Tất cả những điều đó đặt sứ mệnh lên vai của tất cả chúng ta ở các cấp, các ngành. Chúng ta cần huy động cả xã hội cùng chung sức, nỗ lực quyết tâm tối đa, hành động quyết liệt, mang lại hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, bổn phận của chúng ta phải nguyện một lòng biến đau thương thành hành động, quyết tâm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh bằng việc làm cụ thể ở từng cấp, từng ngành và từng người. Cố gắng tối đa, làm bằng tinh thần trách nhiệm và làm hơn thế bởi đó là lương tâm và mệnh lệnh từ trái tim.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 3: Điểm nhấn trong thu dung điều trị
TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 3: Điểm nhấn trong thu dung điều trị

Cùng với sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công" trong công tác thu dung điều trị, đó là triển khai mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 và tổ chức cách ly điều trị tại nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN