TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 1: Trở thành tâm dịch

Biến chủng Delta được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 từ những ca chỉ điểm đầu tiên ở Quận 7, sau đó là chùm ca nhiễm ở điểm truyền giáo Phục Hưng và bắt đầu lan rộng ra các địa phương khác trên địa bàn Thành phố.

Và có lẽ, ít ai có thể nghĩ rằng, từ đây TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ trong quá trình phát triển, để lại những hậu quả vô cùng to lớn, thậm chí đau thương, với hơn 20.300 trường hợp tử vong. Cũng chính trong bối cảnh gian khó ấy,  năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhất là ngành Y tế Thành phố cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp trong công tác điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 một cách hiệu quả.           

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh xét nghiệm trên diện rộng để kịp thời cắt đứt chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Ảnh tư liệu: Đan Phương/Báo Tin tức

Bước vào năm 2022, tuy tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 4 bài viết điểm lại các mốc “lịch sử” của đợt dịch lần 4 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh cũng như các mô hình, kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19 của ngành Y tế Thành phố thời gian qua.

Bài 1: Trở thành tâm dịch

Từ những ca nhiễm đầu tiên do biến chủng Delta, chỉ trong một thời gian ngắn, TP Hồ Chí Minh đã trở thành tâm dịch của cả nước với số ca nhiễm không ngừng tăng lên mỗi ngày, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8 năm 2021 với con số lên đến gần 10.000 ca/ngày. Trước tình hình đó, để hạn chế sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19, Thành phố cũng đã trải qua các đợt giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau cùng với nhiều biện pháp chưa có tiền lệ.

Từ ca nhiễm đầu tiên…

Ngày 29/4/2021, Thành phố ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại quận Bình Tân (từng tiếp xúc gần với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam). Đến ngày 18/5/2021, Thành phố phát hiện thêm 2 ca mắc cộng đồng tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức, đều là nhân viên trong cùng một công ty, đều do biến chủng Delta.

Đến ngày 27/5/2021, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện 3 trường hợp có triệu chứng đến khám tại bệnh viện và được tầm soát, chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2. Từ 3 trường hợp này, Thành phố điều tra truy vết hàng loạt chùm ca nhiễm trong cộng đồng, điển hình là chùm ca liên quan điểm truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp và nhiều trường hợp khác.

Sau đó, tất cả các quận, huyện đều ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu như vào thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở một vài quận, huyện (tương đương dịch cấp độ 1) thì chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 ca đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần). Số ca mắc trong tuần  tiếp tục tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. Giai đoạn này, Thành phố đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 (4.238 giường).

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7/7/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 ca đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần), đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các địa phương trong Thành phố, số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong bắt đầu có hiện tượng tăng dẫn mỗi ngày (từ 2 ca vào ngày 7/7/2021 tăng dần lên 17 ca vào ngày 17/7/2021).

Đến ngày 16/7/2021, tình trạng dịch tại Thành phố tiếp tục chuyên sang cấp độ 4 (>150/100.000 dân/tuần), số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 2.000 ca/ngày. Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố đều bị quá tải, mặc dù Thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường). Số ca tử vong ở giai đoạn này tăng cao (từ 50 ca/ngày vào ngày 21/7/2021 đã tăng lên 114 ca/ngày chỉ sau 1 tuần, đỉnh điểm là 340 ca/ngày vào ngày 23/8/2021).      

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 TP Hồ Chí Minh ngày 15/7, sau 1 tuần triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Qua 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, số ca F0, trường hợp F1 tăng nhanh theo năng lực và phương thức xét nghiệm của lực lượng y tế. Qua thực tế cho thấy, các trường hợp F0 vẫn còn ở cộng đồng, nhiều nơi chưa phát hiện. Vì vậy cần tập trung lực lượng để tăng cường xét nghiệm, truy vết, phát hiện sớm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Thành phố đã chuyển sang trạng thái mới từ công tác chỉ đạo, điều hành đến cách thức tổ chức phòng, chống dịch. Đó là có sự phân công rõ ràng, cụ thể theo từng công đoạn, công việc từ xét nghiệm, thu thập dữ liệu xử lý, điều trị thu dung; nhất là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương; huy động được nhiều nguồn lực xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ của nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, tập trung thực hiện tương đối đồng bộ chiến lược phòng, chống dịch về xét nghiệm khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị, tiêm vaccine… quyết liệt, hiệu quả và có trách nhiệm cụ thể hơn.      

Đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, số bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, tính đến ngày 17/8/2021, Thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường). Trong vòng 1 tháng sau đó, Thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng Thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả Thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.

… đến bốn đợt giãn cách xã hội

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho các bệnh viện và bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến, Thành phố triển khai 4 đợt giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau.

Giai đoạn từ 0 giờ ngày 31/5/2021 đến ngày 18/6/2021, UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (tương ứng tình hình dịch bùng phát ở cấp độ 2). Trong giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2910/QĐ-BYT ngày 13/6/2021 về thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần 2) tại Thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị người bệnh; xét nghiệm; tổ chức cách ly; công tác truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận có liên quan.

Nhận định tình hình dịch bệnh có khả năng tiếp tục bùng phát lan rộng, ngày 19/6/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần là áp dụng các biện pháp của Chỉ thị số 16/CT-TTg trên phạm vi toàn Thành phố, đồng thời chuẩn bị các kịch bản cho tình huống cao hơn và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh trọng điểm kinh tế trong khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố trong vòng 14 ngày kể từ ngày 19/7/2021. Ngày 20/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam do đồng chí Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổ trưởng. Ngày 6/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, theo đó Chính phủ giao nhiệm vụ cho “TP Hồ Chí Minh phải đầu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021”.

Giai đoạn từ 15/8/2021 đến 30/9/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1099/CĐ-TTg, trong đó lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài", người dân là “chiến sĩ" trong phòng, chống dịch; giao TP Hồ Chí Minh thần tốc xét nghiệm diện rộng trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, theo đó, giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả.

Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Từ ngày 23/8/2021, Thành phố đã tổ chức đợt cao điểm tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tỉnh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch". Đến ngày 15/9/2021, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quyết định kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 30/9/2021 (thay vì ngày 15/9/2021 theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 86/NQ-CP). Theo đó, Thành phố quyết định tiếp tục triển khai giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ở mức độ nghiêm ngặt nhất.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và lãnh đạo chủ chốt, của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn và đồng bào cả nước, sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố, việc tăng cường thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cao điểm là từ ngày 23/8 đến 30/9 đã đạt được những kết qua quan trọng, TP Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát dịch COVID-19.    

Từ việc đánh giá sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố gắn với những tiêu chí về kiểm soát dịch của ngành y tế, ngày 15/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về ban hành kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9/2021. Theo đó, ngày 30/9/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố với mục tiêu tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Ngày 22/10/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 3515/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 3900/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn Thành phố. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong 2 tuần đầu tiên áp dụng phương pháp đánh giá, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng giảm, trong các tuần tiếp theo, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng tăng, diễn biến này phù hợp với việc mở lại các hoạt động kinh tế dẫn đến tăng cường các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc, số ca mắc tăng lên là không tránh khỏi, nhưng tình hình dịch của Thành phố vẫn đang được kiểm soát và ổn định ở cấp độ 2. Và từ đầu tháng 1/2022 đến ngày 25/1, TP Hồ Chí Minh đã có 3 tuần liên tiếp là ở cấp độ 1 - vùng xanh. Đến ngày 24/1, TP Hồ Chí Minh số ca mắc mới đã giảm xuống mức hai con số với 97 ca, số ca tử vong còn 6 ca, trong đó có 4 ca từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đại dịch COVID-19 được xem là một trong những biến cố lớn nhất, thử thách nhất và làm xáo trộn nghiêm trọng mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn cam go, khó khăn, gian khổ, khốc liệt nhất. Đồng chí bày tỏ tin tưởng, Thành phố sẽ sớm trở lại với sự năng động, phát triển như những gì vốn có của mình. Song, Thành phố cũng còn đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước đặc biệt là biến chủng mới.

 Bài  2: “Chống dịch như chống giặc”

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết
TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết

Ngày 26/1, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trước các diễn biến mới của dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại nhằm tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN