Du lịch TP Hồ Chí Minh thay đổi sản phẩm để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ưu tiên hàng đầu để khôi phục ngành du lịch trong năm 2022 là hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch để không chỉ phục vụ du khách nội địa mà còn chuẩn bị đón khách quốc tế.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. 

Ngày 24/1, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết ngành du lịch TP Hồ Chí Minh trong năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 với nhiều tham luận của các đơn vị du lịch, lữ hành.

Chuyển đổi để thích ứng nhanh

Trong năm qua, các công ty du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã có thay đổi khá nhanh để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 nên đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định và khôi phục mạnh mẽ trong dịp Tết 2022 khi lượng khách đặt tour đang tăng cao.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động để lên các kế hoạch thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, đến nay công ty đã khôi phục trở lại. Cụ thể, nhu cầu đặt tour, dịch vụ du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2022 đang tăng nhanh. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán 2022, đa số du khách chọn các tuyến khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng - Huế - Hội An, nội - ngoại thành TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Đây là những điểm đến đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Các công ty du lịch TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thay đổi để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST tourist cho biết, trong thời gian "ngủ đông" vì dịch bệnh, doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp, chuyển sang hoàn thiện các đường tour xanh thích ứng linh hoạt để ngay khi du lịch trở lại thì bắt tay ngay vào khôi phục các hoạt động.

"Từ tháng 10/2021, khi ngành du lịch mở cửa hoạt động trở lại, doanh nghiệp đã tung ra các đường tour xanh để chào bán cho du khách. Hiện nay, lượng khách đăng ký tour Tết Nguyên đán 2022 đã đạt khoảng 70%. Du khách chủ yếu chọn hình thức du lịch theo nhóm gia đình, nhóm bạn và khám phá các tuyến miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên. Ngoài các tour trọn gói, công ty linh hoạt cung cấp thêm hình thức tour khởi hành theo nhóm riêng hoặc mua riêng các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn để du khách đi tự túc. Đến nay, lượng khách đặt tour ngay sau Tết trong tháng 2 và 3/2022 đã có dấu hiệu tăng mạnh", ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Đối với ngành khách sạn, dịch vụ cũng có những bước chuyển mình rõ rệt khi thích ứng linh hoạt với dịch. Ông Nguyễn Hữu Năng Phương, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị khách sạn Majetic cho biết, dịch bệnh xuất hiện đã khiến đơn vị phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với dịch bệnh. Theo đó, đa số các khách sạn tại thành phố đều phải chuyển sang ứng dụng công nghệ số trong việc đặt phòng khách sạn, ẩm thực... Đặc biệt, chính các nhân viên cũng phải chuyển tâm lý từ cung cấp dịch vụ tại chỗ sang trực tuyến và phục vụ tại nhà để duy trì sự phát triển của khách sạn. Cũng nhờ chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng số mà doanh thu của đơn vị trong mùa dịch đã có tín hiệu khả qua hơn.

"Hiện nay, khách sạn cũng đã có khách đặt phòng trở lại khi đơn vị áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích nhu cầu tiêu dùng dịp Tết 2022. Mặt khác, để thu hút du khách, khách sạn còn tập trung giới thiệu các món ăn truyền thống như phở, bún cá rô đồng... để du khách nội địa có thêm nhiều lựa chọn khi du Xuân, đón Tết và nghỉ ngơi tại khách sạn", ông Phương cho biết. 

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch bệnh vừa qua, ngành du lịch đã có nhiều thay đổi để thích ứng với dịch. Cụ thể, Thành phố đã chuyển đổi các khách sạn làm nơi cách ly có trả phí. Theo đó, Thành phố đã có hơn 800 khách sạn đăng ký, tương ứng với hơn 20.000 phòng làm nơi cách ly có trả phí cho các đối tượng là chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước và các đối tượng F0, F1. Hoạt động này không chỉ góp phần giảm tải cho các khu cách ly tập trung của Thành phố mà còn cải thiện công suất phòng trong lĩnh vực lưu trú và đã thích ứng linh hoạt với dịch bệnh hiệu quả. Từ đó, dù hoạt động trong mùa dịch nhưng các khách sạn tham gia làm điểm cách ly có trả phí đạt công suất phòng trên 75%, thậm chí đạt trên 90% trong giai đoạn Thành phố tổ chức hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.

“Ngay khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, UBND Thành phố đã nhận được sự tham mưu kịp thời của Sở Du lịch trong việc chuyển từ trạng thái “đóng cửa, chống dịch” sang chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh với phương châm “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”, “mở cửa thì phải an toàn” với điểm nhấn là công bố và triển khai nhanh kế hoạch phục hồi ngành du lịch Thành phố với lộ trình gồm 3 giai đoạn”, bà Phan Thị Thắng nói.

Nhiều giải pháp trong năm 2022

Chia sẻ về các hoạt động khôi phục và thích ứng linh hoạt của ngành du lịch trong năm 2022, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế và khách nội địa ước đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 97.700 tỉ đồng.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên hàng đầu để khôi phục ngành du lịch  trong năm 2022 là hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch, để không chỉ phục vụ du khách nội địa mà còn chuẩn bị đón khách quốc tế.

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành du lịch Thành phố là đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo nguyên tắc chung “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó" và "mở cửa thì phải an toàn".

Đối với thị trường quốc tế, du lịch TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đổi mới hoạt động xúc tiến nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới, tập trung đẩy mạnh truyền thông quốc tế và đầu tư nâng chất sự kiện xúc tiến nước ngoài trên cơ sở lựa chọn thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, tăng cường hợp tác quốc tế trong xúc tiến du lịch. Trong đó, một thị trường có thể xúc tiến nhiều lần, tạo dấu ấn chiều sâu để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là điểm đến an toàn, hấp dẫn để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Tương tự, bà Phan Thị Thắng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành du lịch Thành phố là đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo nguyên tắc chung “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", "mở cửa thì phải an toàn” và phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, Sở Du lịch Thành phố cũng tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19; đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. Đối với đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa cần phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa, khai thác lợi thế, tiềm năng của thành phố; kết nối với các tỉnh, thành để liên kết, tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển du lịch theo hướng khai thác lợi thế so sánh, tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo giá trị sản phẩm liên vùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá trực tuyến để quảng bá điểm đến thân thiện - hấp dẫn - an toàn. Triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu và truyền thông điểm đến thành phố; tổ chức tốt các sự kiện du lịch gắn với văn hóa; khai thác các nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành “Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng của Việt Nam và ASEAN”; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch...

Ở góc độ các doanh nghiệp, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết, bước sang năm 2022, một trong những yếu tố để du lịch TP Hồ Chí Minh có thể phục hồi nhanh chóng là sự đồng bộ các chính sách giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành nhất quán hơn. Cụ thể là sự nhất quán trong tiêu chí kiểm soát dịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phải đồng bộ với nhau, đồng bộ quy định về giao thông vận tải, di chuyển giữa các vùng, địa phương với nhau để khi trong đoàn du lịch có F0 thì có phương án xử lý thỏa đáng nhất mà không bị lúng túng, gây hoang mang cho du khách. Sau khi các sở, ngành thành phố và các tỉnh thống nhất về các tiêu chí thì doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ khách hàng trong và ngoài nước được tốt nhất. 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kế hoạch đón du khách quốc tế
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kế hoạch đón du khách quốc tế

Ngày 24/1, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch thành phố đã lên kế hoạch thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế năm 2022. Kế hoạch dự thảo hai lộ trình triển khai và điều kiện đối với khách du lịch quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN