Mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị
Mô hình “tháp 3 tầng" trong điều trị COVID-19 của Bộ Y tế là mô hình phân tầng điều trị được triển khai trong bối cảnh tất cả các bệnh viện điều trị và bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố đều bị quá tải.
Theo đó, tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền, có yếu tố nguy cơ cao. Tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với các bệnh viện ở tầng 2 tạo nên một hệ thống bệnh viện “chị - em", thường xuyên hội chuẩn các ca bệnh nặng, tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19 cho tuyến dưới và trực tiếp đến hỗ trợ tuyến dưới, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh. Các bệnh viện ở tầng 2 liên kết chặt chẽ với các cơ sở cách ly tại phường, xã, thị trấn, quận, huyện và cách ly tại nhà (tầng 1) nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3 điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao và bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và 2. Việc điều phối, vận chuyển, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản'', Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý.
Trước ngày 15/7/2021, Thành phố có khoảng 600 giường hồi sức cấp cứu. Hệ thống oxy y tế ở các bệnh viện trên địa bàn Thành phố là 34 bồn với tổng dụng tích 316 m3 với số giường có oxy là 2.000 giường. Thời điểm này, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng đột biến, hệ thống y tế của Thành phố phải đối phó khẩn cấp nên có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0 khi bị nhiễm bệnh, dẫn tới số người bệnh suy hô hấp và chuyển nặng tăng cao. Tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố đều bị quả tải, mặc dù Thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường).
Đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, số bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, tính đến ngày 17/8/2021, Thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với quy mô là 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường), nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần vào tuần từ ngày 18 đến ngày 24/8/2021. Đồng thời, Thành phố đã đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng, Thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).
Song song đó, Thành phố đã hình thành các Trung tâm Hồi sức COVID-19 chuyên sâu, đầu tiên là thành lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2) vào ngày 15/7/2021 do Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện lớn của Thành phố đảm trách. Tiếp theo từ ngày 11 đến ngày 25/8/2021, thành lập các Trung tâm Hồi sức COVID-19 do các bệnh viện trực thuộc Trung ương đảm trách (Trung tâm Hồi sức COVID-19 - Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Hồi sức COVID-19 - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trung tâm Hồi sức COVID-19 - Bệnh viện Đại học Y Dược, Trung tâm Hồi sức COVID-19 - Bệnh viện Trung ương Huế). Bộ Y tế đã huy động kịp thời đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu và điều trị COVID-19 cùng với các trang thiết bị y tế chuyên sâu để hỗ trợ ngành Y tế Thành phố ngay thời điểm đỉnh dịch (từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9) góp phần giúp Thành phố kiểm soát được dịch COVID-19.
Về lực lượng, Bộ Y tế đã huy động 8.900 nhân viên y tế khắp cả nước tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện và các Trung tâm hồi sức COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, ngành Y tế Thành phố đã nhận được sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế về nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tầng 2 qua mô hình bệnh viện “chị - em", giao các Trung tâm Hồi sức COVID-19 hỗ trợ về chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn phụ trách, tăng cường hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19... Đồng thời, hỗ trợ thuốc đặc trị COVID-19 (Remdesivir) cho các bệnh viện, góp phần giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.
Ngày 16/8/2021, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Điều phối đầu tư cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại hệ thống cơ sở điều trị người mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố, trong đó có nhiệm vụ điều phối, bố trí hệ thống oxy giường bệnh hợp lý cho các tầng điều trị. Đến nay, Thành phố có tổng cộng 117 bồn, tổng dung tích là 866 m2 với 13.000 giường có oxy.
Tổ chức cách ly điều trị tại nhà
Cùng với triển khai các bệnh viện điều trị, ngành Y tế Thành phố đã triển khai thêm mũi giáp công thứ hai, tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.
Cụ thể, được sự đồng ý của Bộ Y tế, ngày 28/7/2021, Thành phố triển khai chương trình thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà. Người dân mắc bệnh đa phần có triệu chứng nhẹ, vì vậy nếu nơi ở của người bệnh có đủ điều kiện sinh hoạt không sợ lây bệnh cho người sống chung và cộng đồng, có thể tổ chức cho người bệnh tự điều trị cách ly tại nhà, trường hợp bệnh nhẹ nhưng nơi ở không có đảm bảo được an toàn cho người bệnh và người xung quanh thì được tổ chức điều trị cách ly tại cộng đồng.
Mô hình này đã tạo sự an tâm cho người F0 vì được theo dõi sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà và cung cấp thuốc điều trị (gói A-B, C) cùng với gói an sinh, đồng thời giảm áp lực cho các cơ sở y tế. Chủ trương chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà được sự đồng thuận cao của cộng động và xã hội, nhất là sự đồng hành của nhiều cá nhân và tổ chức thiện nguyện.
Để thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế Thành phố ban hành Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với đối với người mắc COVID-19. Giai đoạn này số lượng F0 vẫn tăng cao tại các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, một phần vì số F0 phát hiện mỗi ngày vẫn tăng, bên cạnh đó là người bệnh vẫn còn tâm lý lo lắng khi điều trị tại nhà.
Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia ngành y tế cùng với tham khảo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã đưa các thuốc chống đông và kháng viêm dạng uống vào các gói thuốc điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19, nhằm hạn chế tỷ lệ người bệnh chuyển nặng. Đến ngày 9/8/2021, Sở Y tế thành phố ban hành hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà, bắt đầu cung cấp túi thuốc A-B cho các Trung tâm Y tế để phát tận tay cho người dân. Sở Y tế liên tục cập nhật các hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người F0, để phù hợp với tình hình thực tế và các hướng dẫn mới của Bộ Y tế.
Đến ngày 26/8/2021, Sở Y tế nhận được các túi thuốc C từ chương trình sử dụng thuộc Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mới được Bộ Y tế đưa vào sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Đối với các đối tượng có nguy cơ, thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn phường, xã, thị trấn để đảm bảo theo dõi sát không để F0 tử vong tại nhà, đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (túi thuốc A-B và túi thuốc C). Tư vấn, hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe mỗi ngày, nhân viên y tế tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa và theo dõi sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng. Kịp thời phát hiện và sợ cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng và chuyển viện kịp thời.
Trong giai đoạn này, Thành phố thành lập 327 Tổ phản ứng nhanh thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện, công an và các tình nguyện viên...), cung cấp số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Bên cạnh việc thành lập các Tổ phản ứng nhanh trên mỗi địa bàn phường, xã, thị trấn để kịp thời cấp cứu tại nhà cho người F0, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Thành phố đã triển khai 525 Trạm y tế lưu động tại tất cả phường, xã, thị trấn để trực tiếp khám, chữa bệnh và chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Ngoài ra, các y, bác sĩ của các Trạm y tế lưu động còn tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khác như khám, chữa bệnh cho người F0 tại các khu cách ly tập trung của các địa phương, tham gia làm xét nghiệm cho các shipper trên địa bàn hàng ngày.
Để tăng cường công tác tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), Hội Y học Thành phố, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các tổ chức xã hội khác đã chủ động triển khai nhiều mô hình tư vấn từ xa qua các Tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các Trường Y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A-B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người F0 đã phát huy hiệu quả làm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Tỷ lệ người F0 cần nhập viện điều trị từ ngày 23/8/2021 đến ngày 30/9/2021 có xu hướng giảm dần mặc dù số người F0 đang cách ly tại nhà còn cao, qua đó cho thấy hiệu quả của chương trình cung cấp túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0.
Với những hai mũi giáp công chủ lực trong công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được ngành Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai, cùng với sự hỗ trợ có hiệu quả của các lực lượng chi viện từ Trung ương và các địa phương, TP Hồ Chí Minh đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19, đưa thành phố trở lại trạng thái hoạt động bình thường, đặc biệt trong những ngày qua số ca mắc phải nhập viện tại Thành phố đã giảm ở mức 2 con số, số tử vong cũng giảm chỉ còn dưới 1 con số.
Bài cuối: Củng cố y tế cơ sở, quyết tâm giữ vững vùng xanh