TP Hồ Chí Minh: Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cộng đồng người Pháp

Ngày 29/7, tại Bệnh viện FV TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hoạt động tiêm vaccine cho cộng đồng người Pháp đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn và tư vấn trước khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình tiêm vaccine cho cộng đồng người Pháp sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là hoạt động được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Pháp chuyển giao vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam để tiêm chủng cho cộng đồng cư dân Pháp tại Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ thực hiện chương trình tiêm chủng cho cộng đồng người Pháp. Chúng tôi cũng đánh giá cao công tác tổ chức của Bệnh viện FV từ khâu đăng ký đến khâu tổ chức, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiêm chủng".

Những người được tiêm vaccine phòng COVID-19 là nhân viên (và vợ, chồng) thuộc mạng lưới ngoại giao Pháp và toàn thể các công dân Pháp từ 18 tuổi trở lên và cho vợ, chồng của các công dân này. Có khoảng 5.000 công dân Pháp sẽ được tiêm trong đợt này, tương đương với 10.000 mũi tiêm. Vaccine tiêm chủng là mRNA do Moderna sản xuất, được chuyển từ Pháp về Việt Nam bằng vali ngoại giao theo sự cấp phép của Bộ Y tế Việt Nam.

Mỗi ngày Bệnh viện FV thực hiện tiêm chủng cho khoảng 500 người, việc tiêm chủng mũi đầu tiên sẽ được hoàn thành trong vòng 10 ngày. Mũi tiêm thứ hai được thực hiện 4 tuần sau mũi thứ nhất.

Chú thích ảnh
Một công dân Pháp đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Bác sỹ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do quy định của việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên lịch hẹn tiêm chủng được sắp xếp theo từng nhóm, quy trình an toàn phòng, chống COVID-19 cũng được thực hiện khoa học. Tại khu vực chờ, mỗi người đều nhận được tài liệu hướng dẫn về vaccine, tác dụng, các phản ứng nếu có sau khi tiêm. Ngay tại khu vực thực hiện tiêm chủng, Bệnh viện FV trang bị đầy đủ các thiết bị cấp cứu cần thiết để xử trí các trường hợp có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Bày tỏ sự vui mừng sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19, chị Estelle Bolengiar, công dân Pháp sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân và gia đình là điều mà chúng tôi mong mỏi từ lâu và hôm nay chúng tôi rất vui. Tôi không nghĩ gia đình tôi có cơ hội được tiêm vaccine tại Việt Nam sớm như vậy, đây thực sự là nỗ lực rất lớn của Lãnh sự quán Pháp cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó".

Cũng trong sáng 29/7, 659.000 liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Tính đến nay, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam gần 3,8 triệu liều vaccine, tương đương với khoảng 41% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước. Như vậy, tổng cộng đã có gần 9,3 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước.

Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần thứ 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã có hơn 300.000 trường hợp được tiêm chủng.

Đinh Hằng (TTXVN)
Triển khai tiêm vaccine cho nhóm người khuyết tật và yếu thế
Triển khai tiêm vaccine cho nhóm người khuyết tật và yếu thế

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng thuộc 8 nhóm khuyết tật và yếu thế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong nhiều năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN