Tại khu vực trung tâm thành phố, nhiều tuyến đường ngập nặng, những khu vực có tầng hầm, nhà xe của người dân bị ngập phải thuê máy bơm hút nước. Một số ngân hàng có hầm xe bị ngập cũng cho nhân viên nghỉ làm để dọn dẹp.
Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh và phòng chống dịch bệnh sau mưa bão, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã chỉ đạo các quận, huyện chủ động thực hiện việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, xử lý các điểm ngập úng; trường hợp không xử lý được thì Sở sẽ chi viện.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, để tránh rủi ro đến tính mạng con người, trong ngày 26/11, đơn vị đã chủ động phối hợp với các quận, huyện cắt điện một số khu vực và phối hợp các lực lượng chức năng khắc phục sự cố. Đây là những nơi bị ngập nước nặng, nhấn chìm hệ thống tủ điện, dây điện gây mất an toàn cho người đi đường.
Hiện một số quận, huyện đang bị ngập vẫn còn nhiều điểm bị cắt điện như: quận 7, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Gò Vấp… Tại một số nơi ở trung tâm thành phố, như quận 3, cũng bị cắt điện cục bộ.
Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn ngưng tổ chức mọi hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác trong chiều và tối 26/11. Riêng tại huyện Cần Giờ, học sinh tiếp tục được nghỉ học hết ngày 27/11.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện Cần Giờ là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, công tác khắc phục hậu quả được triển khai khẩn trương với sự tham gia của các lực lượng thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, Công ty Dịch vụ công ích, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng cán bộ, chiến sĩ chi viện từ Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh.
“Trong ngày 26/11, các lực lượng của huyện và Thành phố chi viện đều tập trung xử lý những cây xanh ngã đổ, trụ điện bị nghiêng để đảm bảo an toàn cho người dân; kiểm tra tiêu thoát nước ở các khu dân cư, vùng trũng thấp bị ngập cục bộ. Đặc biệt, các lực lượng tích cực kiểm tra, đôn đốc thực hiện vệ sinh môi trường do đọng nước những ngày qua, tránh phát sinh dịch bệnh”, ông Triển cho biết.
Bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 26/11, các bến phà tại TP Hồ Chí Minh như Bình Khánh, Cát Lái... đã được phép hoạt động trở lại. Ngoài ra, các tuyến đò ngang, đò dọc, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng... cũng được phép hoạt động trở lại từ 9 giờ sáng ngày 26/11.
Theo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, sạt lở đất đã xảy ra tại khu vực từ Tháp Chàm đến Nha Trang trong ngày 25/11, ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu. Theo đó, ngành đường sắt Việt Nam đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố, đến 8 giờ ngày 26/11 đã thông toàn bộ tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo thông báo từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, dự báo chiều tối 26/11, tình hình triều cường trên địa bàn tiếp tục tăng, kể cả mưa trên diện rộng.