Đây là nội dung chính trong Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025 do HĐND TP Hồ Chí Minh khóa XI vừa thông qua tại kì họp thứ 9.
Công nhân, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh sẽ thoát khỏi cảnh sống tạm bợ trong các khu trọ lụp xụp nhờ các khu nhà ở xã hội khang trang hơn. |
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 của toàn TP Hồ Chí Minh lên 19,8 m2/người, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 40 triệu m2 sàn.
Đối với khu vực trung tâm (quận 1 và quận 3), ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước 1975; không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.
Đối khu vực các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại; hạn chế thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Đối khu vực các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân, ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, 9 và Thủ Đức); ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội…
Các khu vực nhà trọ gần các khu công nghiệp - khu chế xuất luôn thu hút đông công nhân, sinh viên là do gần chỗ làm việc và giá thuê phòng phải chăng. |
Đối khu vực 5 huyện, ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính thì ưu tiên phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh; tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, đường vành đai...; không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng; có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới phù hợp với các đối tượng để giảm dân nội thành…
Để thực hiện mục tiêu trên, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ đa dạng hóa sản phẩm, loại hình nhà ở xã hội. Trước tiên, thực hiện đa dạng hóa đối tượng phục vụ, đầu tư xây dựng nhiều loại nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua phù hợp với các đối tượng người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất; cán bộ công chức theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện đa dạng về diện tích, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên có diện tích từ 25-35 m2 để cho thuê, các căn hộ nhà ở xã hội 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ với diện tích từ 25-77m2 để bán, cho thuê.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh thực hiện đa dạng hóa về giá, đầu tư xây dựng căn hộ nhà ở xã hội với nhiều loại giá khác nhau, từ 300 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng để phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng có thu nhập thấp.
“Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiến hành rà soát, hoặc điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 nhằm tránh việc chồng chéo trong quy hoạch, xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu đất dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, các đối tượng bị ảnh hưởng của các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố”, ông Tuyến cho biết thêm.