Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã hỗ trợ khoảng 550 tỷ đồng cho người lao động, hộ kinh doanh, giáo viên, người có công, người thuộc diện hộ nghèo... chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, đã hỗ trợ cho 232.250 người lao động (kể cả các giáo viên mầm non khu vực ngoài công lập), hộ kinh doanh, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động với số tiền 233,4 tỉ đồng; hỗ trợ 266.730 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 310 tỉ đồng.
Ngoài ra, tính đến cuối tháng 6, đã có gần 38.260 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ gần 40 tỉ đồng. Trong đó, số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020-NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh (1 triệu đồng/người/tháng) là gần 36.380 người (chiếm tỉ lệ 85% với số tiền gần 36,38 tỉ đồng). Số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ (1,8 triệu đồng/người/tháng) chỉ có 1.883 người (chiếm 4,4%).
“Số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP còn thấp là do điều kiện được hưởng chế độ này rất khắt khe, đặc biệt là vấn đề doanh nghiệp phải chứng minh gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương và việc thẩm định hồ sơ tài chính của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian”, ông Lê Minh Tấn cho biết.
Hiện nay, toàn TP Hồ Chí Minh có 415.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 3,2 triệu công nhân, người lao động. Riêng các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao có khoảng 345.000 công nhân, người lao động; 2,8 triệu công nhân, người lao động làm ở doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Ngoài việc TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất hỗ trợ cho các đối tượng trên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thêm cho 280 ngành nghề với khoảng 89.300 lao động tự do. Mức hỗ trợ được đề xuất cho các đối tượng này là 1 triệu đồng/người/tháng và được áp dụng tùy theo diễn biến dịch, cũng như tình trạng việc làm của người lao động nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 và nguồn kinh phí được trích từ ngân sách Thành phố.