TP Hồ Chí Minh: Chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em mồ côi, người gặp khó khăn vì COVID-19

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sau đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh có 2.200 trẻ em mồ côi, gần 800 người cao tuổi neo đơn và 730 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đọc các tờ trình liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội Thành phố trong chiều 7/4.

Chiều 7/4, tại Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh Khóa X, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã đọc tờ trình về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu đã thống nhất biểu quyết đồng ý thông qua tờ trình này. 

Theo nội dung tờ trình, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã để lại trên 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ; gần 800 người cao tuổi neo đơn (do có con, người trực tiếp nuôi dưỡng tử vong do dịch COVID-19) và gần 730 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu các nguồn lực vật chất và tinh thần. Vì vậy, UND TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình về chính sách đặc thù nhằm chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn là yêu cầu cấp thiết, hợp lòng dân, tạo sự an tâm và động lực cho người dân Thành phố tiếp tục làm việc và cống hiến vì một Thành phố nhân văn và nghĩa tình.

"Đây là chính sách đặc thù để chăm lo, hỗ trợ cho những người yếu thế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ để ổn định cuộc sống sau đại dịch COVID-19 và nâng cao hiệu quả của chính sách trợ giúp xã hội tại TP Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình hiện nay. Qua đó, đảm bảo sự công bằng, chia sẻ trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau", bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.

Theo tờ trình này, người được thụ hưởng là người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách xã hội theo Nghị định 20. Nguyên tắc là mỗi người hưởng một chính sách xã hội, không để bỏ sót, không trùng lắp. Những người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp xã hội hàng tháng không được hưởng chính sách này.

Chú thích ảnh
Đợt dịch bệnh vừa qua, các cơ quan đoàn thể đã chung tay chăm lo cho các trẻ em mồ côi vì COVID-19.

Đối với người cao tuổi đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí và mức hỗ trợ hàng tháng là 480.000 đồng/người/tháng.

Đối với người trong độ tuổi lao động từ 16 đến 60 tuổi thuộc hộ nghèo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo nhưng chưa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng; trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cũng được đề xuất hỗ trợ hàng tháng 480.000 đồng/người.

Đối với trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên bằng với mức học phí do HĐND TP Hồ Chí Minh quy định.

Riêng trường hợp trẻ em đang học tại các trường tư thục thì mức hỗ trợ học phí bằng với học phí của trường công lập. Trẻ em được cấp thẻ BHYT miễn phí. Mức hỗ trợ hàng tháng từ 480.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, tùy trường hợp.

Thời gian hỗ trợ các đối tượng trên được áp dụng từ ngày 1/5/2022 đến hết năm 2023 với tổng kinh phí thực hiện là gần 61 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Hội thi online tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động
TP Hồ Chí Minh: Hội thi online tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động

Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, ngày 7/4, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát động Hội thi online “Tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động” cấp thành phố năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN