Ngày 6/1, Việt Nam có 16.472 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 170 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 5/1 đến 16 giờ ngày 6/1, Việt Nam ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 60 tỉnh, thành phố; trong ngày có 170 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 55 ca nhập cảnh và 16.417 ca ghi nhận trong nước (giảm 580 ca so với ngày trước đó).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.053 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.843.563 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.686 ca nhiễm).
Từ 17 giờ 30 ngày 5/1 đến 17 giờ 30 ngày 6/1 ghi nhận 170 ca tử vong tại:
Tại TP Hồ Chí Minh có 21 ca trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: An Giang (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Tiền Giang (13), Bến Tre (12), Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (9), Bạc Liêu (9), Bình Dương (8 ), Kiên Giang (8 ), Bình Thuận (6), Trà Vinh (5), Tây Ninh (5), Long An (5), Cà Mau (3), Hậu Giang (2), Bình Định (2), Hải Phòng (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Ninh Thuận (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 211 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.644 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
KOICA tài trợ 6,3 triệu bơm kim tiêm y tế dùng một lần cho Việt Nam
Ngày 6/1, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã trao tặng 6,3 triệu bơm kim tiêm y tế dùng một lần cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Gói tài trợ này là một phần trong 42,5 triệu bơm kim tiêm trị giá 2,5 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Bộ Y tế Việt Nam thông qua KOICA. Toàn bộ bơm kim tiêm này sẽ được sử dụng cho công tác tiêm chủng phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho biết: Hàn Quốc cam kết thực hiện nỗ lực đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn bơm kim tiêm tài trợ này nhằm giúp Việt Nam đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và đẩy lùi dịch bệnh. Ông Cho Han-Deog hi vọng sự hỗ trợ này của KOICA sẽ đóng góp hiệu quả vào chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Trong năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 1,39 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Bên cạnh đó, KOICA đã cung cấp 300.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 cho Việt Nam thông qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vào ngày 31/12/2021.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 40 máy đo thân nhiệt từ xa cho Việt Nam để lắp đặt tại 10 sân bay trong cả nước trong tháng 5/2021. KOICA cũng đã tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng và những người dân Việt Nam thông qua việc cung cấp các trang thiết bị cách ly, thực phẩm và dược phẩm.
Người dân cần tuân thủ phòng dịch để đón Tết an toàn
Chuyên gia y tế nhận định, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Hà Nội sẽ còn tiếp tục tăng, kéo dài. Để tránh bùng dịch mạnh, dịp Tết sắp tới, người dân cần tuân thủ phòng dịch, hạn chế di chuyển, tụ tập.
Những ngày gần đây, số ca F0 Hà Nội đang tăng mạnh, con số mắc hàng ngày đã lên vượt mốc 2.000 ca. Cụ thể, ngày 5/1 có 2.506 ca; ngày 4/1 có 2.578 ca... số ca nhiễm mới ghi nhận đều tại tất cả các quận, huyện của Thành phố.
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 của Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Với tình hình như hiện nay, số ca F0 của Hà Nội sẽ vẫn còn tăng và dịch có thể kéo dài một thời gian nữa; bởi dịch đang lây lan trong cộng đồng, tuy đã triển khai cách ly, các biện pháp nhưng số nhiễm vẫn đang tăng lên. Tốc độ lây lan dịch của Hà Nội trong giai đoạn gần đây khá mạnh; con số mắc càng lớn, tốc độ tăng càng nhanh”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong bối cảnh hiện nay, với việc đã phủ vaccine, Hà Nội cơ bản chỉ cần chú ý tới số người phải nằm viện; không cần quá chú ý tới con số mắc; thậm chí, việc phân loại F1, F2 hiện nay cũng không còn quan trọng. Hiện rất nhiều người nhiễm nhưng không triệu chứng, chỉ xét nghiệm mới ra dương tính.
Bên cạnh đó, tuy số mắc tăng cao, nhưng cơ bản tỷ lệ tử vong không tăng thì cũng không đáng lo ngại. Quan trọng nhất hiện nay là cần quan tâm tới nhóm nguy cơ chuyển nặng như: Người già, người có bệnh nền, người không được tiêm được vaccine, phụ nữ có thai, trẻ em… Hệ thống y tế cần tập trung vào những người có triệu chứng, điều trị tích cực cho các ca nặng để giảm tử vong.
Hà Nội hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 5/1/2022 đến 18 giờ ngày 6/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.716 ca nhiễm mới SARS-CoV-2.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 415 xã phường thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (180); Hai Bà Trưng (130); Thanh Trì (128); Hoàng Mai (108); Hà Đông (103).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 62.631 ca.
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 lần thứ 6 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.
Trong hướng dẫn mới này, việc phân luồng điều trị với người bệnh COVID-19 được chia thành 4 yếu tố nguy cơ:
Nguy cơ thấp: Là người tuổi từ 50- 64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường SpO2 từ 97% trở lên. Những trường hợp này được điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện (tầng 1). Ngoài ra, tuổi trên 3 tháng và đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc xin, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% điều trị tại nhà (tầng 1).
Nguy cơ trung bình: Những người tuổi từ trên hoặc bằng 65 chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định; tuổi từ 50- 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như: Sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thành phố.
Nguy cơ cao: Là những người mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi; SpO2 từ 90% đến 96% điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2 hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối với bệnh nhân sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Nguy cơ rất cao: Là những trường hợp có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90% điều trị tại các bệnh viện tầng 3: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Bệnh viện Phụ sản đối với bệnh nhân sản khoa hoặc điều trị tại bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Chi trả lương hưu, trợ cấp hai tháng đầu năm 2022 vào cùng một kỳ
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng thời bảo đảm an toàn, phòng chống dịch COVID-19, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH theo phương án chi trả gộp 1 lần tiền chế độ của cả tháng 1 và tháng 2/2022 vào kỳ chi trả của tháng 1/2022.
Theo BHXH Việt Nam dự kiến, cả nước có 2.966.645 người được điều chỉnh tăng mức hưởng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP từ ngày 1/1/2022, cụ thể là điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng như: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật....