Tọa đàm về tiền lương trong các doanh nghiệp dệt may và điện tử

Ngày 10/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tọa đàm về tình hình tiền lương trong các ngành dệt may và điện tử Việt Nam. Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, lắng nghe ý kiến về thực tế tiền lương, các vấn đề liên quan về tiền lương của công nhân lao động trong các doanh nghiệp dệt may, điện tử; các cán bộ Công đoàn.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gần 90% cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ tiền lương, trong đó 80% là do chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thỏa ước lao động tập thể.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn phát biểu tại buổi tọa đàm. 

Trong thời gian tới, tiền lương càng trở nên quan trọng hơn và là vấn đề cốt lõi của tổ chức Công đoàn khi Đảng, Nhà nước có chủ trương không can thiệp vào vấn đề tiền lương mà do Công đoàn trực tiếp thương lượng với người sử dụng lao động. Vì thế, cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có đủ năng lực, trình độ để tham gia đàm phán cùng người sử dụng lao động về tiền lương; xây dựng thang, bảng lương. Qua đó, khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Cùng quan điểm, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng, việc Công đoàn trực tiếp tham gia xây dựng thang, bảng lương ở doanh nghiệp là vấn đề rất khó, đòi hỏi cán bộ Công đoàn nhất là ở cấp cơ sở có kiến thức tốt về kinh tế, pháp luật, kỹ năng đàm phán để thương lượng với người sử dụng lao động. Theo ông Tiến, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của Công đoàn cấp trên theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cán bộ Công đoàn cần huy động sức mạnh của tập thể người lao động trong quá trình tham gia xây dựng thang, bảng lương và đưa vấn đề về tiền lương vào thỏa ước lao động tập thể giữa doanh nghiệp và người lao động.

Thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp điện tử, dệt may hiện nay là trả lương công nhân theo khung bảng lương, tăng lương theo hệ số và tăng mức lương tối thiểu. Theo bà Bùi Thị Minh, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM), nguyên nhân do người làm lâu năm, tuổi càng cao thì năng suất, sản lượng càng thấp. Mặt khác, nếu lương tối thiểu tăng 10% thì doanh nghiệp buộc phải trả thêm cho người lao động 21,3%. Vì thế, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp thỏa thuận trực tiếp với người lao động nhằm giúp cho việc chi trả lương đúng với yêu cầu, năng lực, chất lượng lao động; đồng thời đáp ứng đúng yêu cầu nguyện vọng của cả hai bên.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên thường dựa vào mức lương cơ bản chung để xây dựng thang bảng lương cho doanh nghiệp (làm theo luật định) kèm theo nhiều khoản thưởng, phụ cấp… đúng theo năng lực của người lao động. Cụ thể, mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tại các doanh nghiệp trong nước từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, ở các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 6 - 7 triệu đồng người/tháng, nhưng số lượng người lao động thực lĩnh chênh lệch khá cao.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp này có lợi cho doanh nghiệp trong việc tránh đóng bảo hiểm xã hội đúng theo giá trị lương thật sự của người lao động; giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Ngược lại, vấn đề này cũng gây bất lợi cho người lao động, nhất là khi nhận lương hưu thấp tương ứng so mức lương đã đóng trước đây.

Về vấn đề tăng hoặc giảm lương hiện nay, hầu hết các đại biểu đều cho rằng không bị tác động bởi sản lượng, năng suất lao động của người lao động mà năng suất lao động chỉ tác động đến khen thưởng, bình xét thi đua, nâng lương hàng năm. Các đại biểu cũng đề xuất cần điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với từng vùng, địa phương; đưa thang, bảng lương vào thỏa ước lao động tập thể; cần thiết có sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên trong quá trình tham gia xây dựng thang, bảng lương; tăng mức lương cơ bản trong hệ thống tiền lương của doanh nghiệp…

Các đại biểu cũng đánh giá tình hình thực hiện chính sách tiền lương của các doanh nghiệp hiện nay; những vi phạm thường liên quan đến tiền lương, xây dựng và thực hiện thang, bảng lương, quy chế trả lương; những ưu điểm, hạn chế của hệ thống thang, bảng lương của các doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá năng lực đối thoại và thương lượng về tiền lương, thang, bảng lương của tổ chức Công đoàn; những khó khăn của Công đoàn khi thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về tiền lương; những bất cập, hạn chế của cơ chế đối thoại, thương lượng về tiền lương.

Nhiều đại biểu nêu lên những bức xúc của người lao động liên quan đến tiền lương, thang, bảng lương; tình trạng tranh chấp lao động liên quan đến tiền lương; vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện chính sách tiền lương ở doanh nghiệp, Công đoàn tham gia xây dựng chính sách tiền lương, cách giải quyết các vấn đề về tiền lương tối thiểu, thu nhập…

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Công đoàn chủ chốt về công tác tiền lương, xây dựng thang, bảng lương; kỹ năng đối thoại, đàm phán từ thực tiễn ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Tiến hành khảo sát chính sách tiền lương, BHXH tại 8 vùng kinh tế trọng điểm
Tiến hành khảo sát chính sách tiền lương, BHXH tại 8 vùng kinh tế trọng điểm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang tiến hành khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành và 8 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Cuộc khảo sát nhằm đánh giá chính sách tiền lương, chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như các kiến nghị về mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN