Thêm 5 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh
Từ 18 giờ ngày 14/1 đến 18 giờ ngày 15/1, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam ghi nhận 1536 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó, 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước (553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay). Cả nước hiện có 18.295 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; trong đó, 146 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 16642 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 1507 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 15/1, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã rà soát lại việc tổ chức đưa đón, bàn giao, tiếp nhận người cách ly; có văn bản hướng dẫn các địa phương theo nguyên tắc, khi địa phương tiếp nhận người trở về từ các khu cách ly tập trung phải có đầy đủ các điều kiện, trong đó phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo, các đơn vị, đặc biệt bộ phận y tế của các khu cách ly, hướng dẫn người được cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày tiếp theo tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Cùng với đó, phần mềm quản lý người thực hiện cách ly tập trung đã được triển khai. Theo đó, Ban Quản lý các khu cách ly tập trung; chính quyền, y tế, công an xã, phường (nơi có người cách ly tập trung trở về), được cung cấp tài khoản để sử dụng, quản lý dữ liệu thông tin. Hệ thống sẽ quản lý toàn bộ hành trình của từng người nhập cảnh, từ khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đến khi trở lại sinh hoạt trong cộng đồng.
Báo cáo về tình hình nhập cảnh trên đường thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau khi khảo sát, làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng - hai địa phương có nhiều điểm chung như đều có sân bay, đường thủy… Theo phản ánh, cả hai địa phương đều xuất hiện tình trạng người nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo y tế trước khi lên máy bay, người nhập cảnh trái phép trên đường biển...
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo có các phương án hướng dẫn để Khánh Hòa, thành phố Đà Nẵng, cũng như các địa phương khác trên cả nước thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tình trạng người nhập cảnh hợp pháp, không hợp pháp vào Việt Nam.
Kéo dài thời gian cách ly với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có biến chủng mới
Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 15/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay, công tác phòng, chống dịch vẫn giữ vững được kết quả, cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước. Tính đến ngày 15/1, Việt Nam có 45 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới với các ca mắc mới, ca tử vong tăng lên cao mỗi ngày, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu do sự xuất hiện của chủng mới của virus SAR-CoV-2; tâm lý khi có vaccine ngừa COVID-19; các nước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch trong dịp nghỉ Lễ Giáng sinh, năm mới…
Ở trong nước, nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo giữ an toàn, đặc biệt trong thời gian tới, chuẩn bị Tết Nguyên đán 2021, Đại hội XIII của Đảng…
Đối với các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam, các ý kiến nhận định, một số chuyến bay giải cứu công dân, đưa người Việt Nam kết hợp với chuyên gia nước ngoài vào trong nước đều thực hiện cách ly y tế nghiêm túc. Do đó, hầu hết những người này không tạo ra ổ dịch lớn trong cộng đồng. Tuy nhiên, do chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện, Việt Nam hạn chế tối đa các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đến nay, do chưa có kết luận chính thức về chủng mới của SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nâng cao tinh thần cảnh giác; người nhập cảnh vào Việt Nam từ một số nước, vùng lãnh thổ xuất hiện chủng mới của SARS-CoV-2 sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung. Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh được quy định có thể cách ly dưới 14 ngày, đến nay, phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Trước thực tế, một số trường hợp phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 sau 14 ngày cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo quyết định, người nhập cảnh vào Việt Nam từ một số nước, vùng lãnh thổ sẽ phải cách ly dài hơn 14 ngày.
Phó Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, cập nhật lại hệ thống quản lý thông tin về dịch bệnh, đặc biệt những người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện theo quy trình khép kín.
Theo đó, từ khi đăng ký để được cơ quan ngoại giao, hàng không Việt Nam bố trí về nước, các đối tượng này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó đăng ký rõ nơi cách ly, nơi ở sau khi hoàn thành cách ly. Từ đó, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch bệnh trong nước chủ động, sẵn sàng chuẩn bị phương án. "Kiên quyết không để lọt bất cứ trường hợp nào như thời gian vừa qua. Dứt khoát không được để tình trạng về đến sân bay rồi mới phát hiện chưa khai báo y tế", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Bên cạnh yêu cầu tập huấn về hệ thống theo dõi thông tin người thực hiện cách ly, Phó Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ, ngăn chặn triệt để những người nhập cảnh bất hợp pháp. “Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ, cách ly tập trung ở cơ sở quân đội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý không thu phí”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ đường thủy, Phó Thủ tướng đề nghị, ngoài việc tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an...; chính quyền cơ sở phải tích cực tuyên truyền, vận động để gia đình có người thân ở nước ngoài vận động người nhà khai báo y tế đầy đủ và thực hiện cách ly nghiêm túc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về nguy cơ dịch bệnh từ những người nhập cảnh bất hợp pháp; yêu cầu người dân báo cho chính quyền địa phương khi phát hiên người trở về từ nước ngoài.
“Đây là trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh của toàn cộng đồng. Nếu lơ là, có nghĩa vô hình chung đã sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể sẽ gieo rắc mầm bệnh vào trong cộng đồng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay, cả nước đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có tính chất dài hơi hơn trong cộng đồng như thực hiện thông điệp 5K, cập nhật thông tin trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19... Cùng với đó, trong nước đang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine, tuy nhiên, biện pháp tốt nhất trong giai đoạn hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đã triển khai trước đó.
Đáng chú ý, Đại hội XIII của Đảng sẽ chính thức diễn ra từ ngày 25/1 sắp tới. Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo tham gia công tác đảm bảo an toàn cho Đại hội. Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị phải tăng cường biện pháp chống dịch ngay từ bên ngoài, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội, dịp sát Tết Nguyên đán.
Đắk Nông nổ mìn tự chế, một người bị thương nặng
Ngày 15/1, ông Hoàng Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Đắk Môl, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho biết, khoảng 8 giờ 45 phút cùng ngày, trên địa bàn đã xảy ra một vụ nổ mìn tự chế làm một người bị thương rất nặng.
Nạn nhân là anh Y Khanh (sinh năm 1992, trú tại bon A3, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Vụ nổ làm nạn nhân bị mất cánh tay phải, dập nát tay trái và một số vết thương khác trên người. Sau vụ nổ, người dân đã đưa anh Y Khanh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại hiện trường, nhiều đồ đạc bị hư hỏng nặng, lực lượng chức năng thu được nhiều quả mìn tự chế.
Các cơ quan chức năng huyện Đắk Song đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Hà Nội khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ bé trai 9 tháng tuổi tử vong bất thường
Ngày 15/1, Công an thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc bé trai 9 tháng tuổi trú tại xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) tử vong bất thường sau khi gửi trẻ, Công an huyện Thanh Trì đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Theo thông tin từ gia đình cháu bé, khoảng 7 giờ ngày 31/12/2020, chị Trần Thị L. trú tại thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gửi con trai là Phạm Đức Ph. (sinh tháng 2/2020) tới nhà bảo mẫu Vũ Hoàng Trà M. ở cùng thôn, để chăm sóc. Khi gửi trẻ, cháu Phạm Đức Ph. khỏe mạnh bình thường nhưng khoảng 1 giờ sau, chị Trần Thị L. nhận được điện thoại của bảo mẫu thông báo cháu P. bị tím tái và đang được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì cấp cứu.
Do cháu Ph. bị hôn mê sâu tại phòng cấp cứu, sau đó Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Bạch Mai. Theo chị Trần Thị L., các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sau khi hội chẩn, chụp phim X quang đã kết luận cháu Phạm Đức Ph. bị bẹp não thất, giãn bên trái tụ máu chèn ép não và phải mổ cấp cứu ngay. Sau khi mổ não khoảng 1 tiếng, các bác sĩ thông báo cháu đã bị chết não và không cứu được bệnh nhi.
Do cái chết của con trai quá đột ngột, bất thường nên gia đình chị Trần Thị L. đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, khám nghiệm pháp y để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cháu Phạm Đức Ph. tử vong. Công an huyện Thanh Trì đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ vụ việc.