Tin nổi bật ngày 13/1

Lơ là COVID-19, người dân không đeo khẩu trang lễ Phủ Tây Hồ cuối năm; đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án Nhật Cường; tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" lôi kéo những đối tượng nhận thức mơ hồ về chính trị; giá thịt lợn bình ổn tại TP Hồ Chí Minh tăng từ 6.000-15.000 đồng/kg… là những tin được quan tâm nhất trong ngày 13/1.

Lơ là COVID-19, người dân không đeo khẩu trang lễ Phủ Tây Hồ cuối năm

Chú thích ảnh
Do lượng người quá đông, công tác phòng dịch tỏ ra không hiệu quả. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Phớt lờ văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc hạn chế tập trung đông người cũng như tổ chức lễ hội giáp Tết Nguyên đán, trưa 13/1 (tức này 1/12 Âm lịch 2020), hàng nghìn người dân đổ về Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) dâng lễ.

Trong bối cảnh công tác phòng dịch COVID - 19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, thì trưa ngày 13/1 (ngày 1 tháng Chạp), khá nhiều người đi lễ Phủ Tây Hồ vẫn 'quên' đeo khẩu trang. Hàng dài các ông đồ ngồi đợi viết sớ cho khách hàng cũng không hề đeo khẩu trang.

Gần trưa, đoàn người kéo về ngày một đông, người sát người, nhiều người đã chủ quan bỏ khẩu trang khi làm làm lễ. Phía bên trong Phủ chật kín người, hoa quả, đồ lễ được xếp tràn xuống sàn nhà. Người dân bỏ cả khẩu trang với quan niệm khi hành lễ sẽ thành tâm hơn, điều này khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 càng thêm khó khăn.

Mặc cho Ban Quản lý Phủ Tây Hồ cùng lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp nhắc nhở người dân phòng dịch COVID-19, nhưng do lượng người quá đông nên công tác phòng dịch không hiệu quả.

IMF ca ngợi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Việt Nam đã cho thấy cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ngay cả khi chưa có vaccine ngừa bệnh. Đây là nhận định mới nhất của ông Helge Berger, Trợ lý Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, về công tác ứng phó với đại dịch của Việt Nam.

Trong bài viết trên The Print của Ấn Độ, ông Berger đã ca ngợi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam, đồng thời cho biết "chìa khóa" làm nên thành công của Việt Nam chính là các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm tức thì và truy vết nhanh nguồn bệnh. Ông nhấn mạnh: “Không chỉ Trung Quốc mà các nước khác ở châu Á, ví dụ như Việt Nam, đã cho thấy vẫn có cách để đối phó với đại dịch, ngay cả khi chưa có vaccine. Điều đó cho phép nền kinh tế trở lại hoạt động ít nhất là ở mức gần với bình thường”.

Quan chức IMF nhấn mạnh kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam có thể áp dụng tại các nước thu nhập thấp đang chỉ biết trông chờ vào vaccine. Tuy nhiên, ông Berger lưu ý vẫn cần có vaccine để đảm bảo khống chế đại dịch, qua đó mỗi nền kinh tế nói riêng cũng như kinh tế toàn cầu nói chung trở lại hoạt động bình thường.

Đài RFI của Pháp cũng nhận định Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi ở châu Á kiềm chế hiệu quả đại dịch COVID-19. RFI dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công của Việt Nam là do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh vì thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não... và hệ thống y tế dự phòng đã được thành lập từ lâu.

Đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án Nhật Cường

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra, khám xét và đưa các kiện hàng lên xe tại cửa hàng điện thoại Nhật Cường mobile ở 33 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ảnh minh họa: Doãn Tấn/TTXVN

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất Bản kết luận điều tra vụ án hình sự “Buôn lậu”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường); đồng thời Cơ quan Cảnh sát Điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 15 bị can trong vụ án.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tách hồ sơ các hành vi “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý sau do Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đang bỏ trốn.

Nhóm bị can bị đề nghị truy tố tội “Buôn lậu” theo Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Trần Ngọc Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường); Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường); Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường); Nông Văn Lư (Nhân viên Công ty Nhật Cường); Nguyễn Bảo Trung (lao động tự do); Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường, Quảng Châu, Trung Quốc);

Lê Hoài Phương (Nhân viên Công ty Nhật Cường, Quảng Châu); Ngô Đức Tùng (lao động tự do); Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn); Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường); Mai Tiến Dũng (Trưởng ngành hàng Điện thoại cũ Công ty Nhật Cường); Phạm Văn Hiệp (lao động tự do); Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường); Đỗ Văn Dũng(lao động tự do).

Các bị can bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 221, Bộ Luật Hình sự 2015 gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường); Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán Trưởng Công ty Nhật Cường).

Tổ chức khủng bố 'Triều đại Việt' lôi kéo những đối tượng nhận thức mơ hồ về chính trị

Ngày 30/1/2018, Bộ Công an đã công bố thông tin về tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức khủng bố. Đây là tổ chức khủng bố rất nguy hiểm, có nhiều hoạt động chống Nhà nước Việt Nam và nhiều đối tượng cốt cán của tổ chức này đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Sau khi bị Cơ quan An ninh Việt Nam đấu tranh và bị công bố là tổ chức khủng bố, tháng 1/2018, một số thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã tách ra để thành lập cái gọi là “Triều đại Việt” có trụ sở tại Canada.

Đối tượng cầm đầu, chỉ huy là Ngô Văn Hoàng Hùng (sinh năm 1952 tại Tiền Giang, quốc tịch Canada, tự xưng là “Tổng Tư lệnh Triều đại Việt”); Trần Thanh Đình (sinh năm 1957 tại Nam Định, quốc tịch Đức, tự xưng là “Phó Thủ tướng”); Ngô Mạnh Cương (sinh năm 1961 tại Thành phố Hồ Chí Minh, quốc tịch Pháp, tự xưng là “Tổng cục trưởng Tổng cục đặc nhiệm”); Huỳnh Thanh Hoàng (sinh năm 1976, quốc tịch Mỹ, “phát ngôn viên Triều đại Việt”).

Ngô Văn Hoàng Hùng là đối tượng có quá trình hoạt động chống phá cách mạng cực đoan. Năm 1969, đối tượng tham gia chế độ Việt Nam Cộng hòa; năm 1978, bị bắt về Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; năm 1979, Ngô Văn Hoàng Hùng bị Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử, tuyên phạt tử hình; năm 1990, đối tượng bỏ trốn, vượt biên, tỵ nạn tại Thái Lan; năm 1993, đối tượng xin định cư tại Canada.

Ngay sau khi thành lập, số cầm đầu tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” chủ trương hoạt động theo phương thức bạo động với cái gọi là “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”. Chúng đã gửi hàng chục nghìn USD, hàng trăm triệu đồng và chỉ đạo số đối tượng trong nước đồng loạt lập ra các “Quân khu” ở trong nước, giao nhiệm vụ cho số này tìm cách móc nối, phát triển lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động; mua sắm vũ khí, chế tạo thuốc nổ và khảo sát, lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, mục tiêu bảo vệ và các địa điểm công cộng. Điển hình, tháng 6/2018, Ngô Văn Hoàng Hùng chỉ đạo nhóm 6 đối tượng do Nguyễn Khanh làm “Trưởng nhóm” sử dụng thuốc nổ TNT tấn công trụ sở Công an Phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, khiến 1 người bị thương, làm hư hỏng 6 xe máy.

Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” còn có ý đồ thành lập một số nhóm vũ trang hoạt động độc lập như “Biệt đội bóng ma”, “Trung đoàn Tây Đô”, “Biệt động quân”, “Thủy quân lục chiến”, “Cảnh sát Đại Việt”, “Không quân”, “Hải quân”... gồm những đối tượng cực đoan, sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khủng bố, bất chấp hậu quả, nhưng đều bị Cơ quan An ninh đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt, truy tố, xét xử 17 đối tượng; ra quyết định truy nã 2 đối tượng là thành viên của tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

TP Hồ Chí Minh đón không khí lạnh dưới 20 độ C, người dân mặc áo ấm khi ra đường

Chú thích ảnh
Người dân mặc áo ấm, quàng khăn khi lưu thông trên đường vào sáng sớm. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ghi nhận từ 5 giờ đến 7 giờ sáng ngày 13/1, nhiệt độ ở TP Hồ Chí Minh giảm mạnh xuống thấp ở mức 19 độ C. Không khí lạnh vào những ngày này khiến người dân cảm thấy thích thú vì cảm nhận Tết gần kề, bên cạnh đó có thể diện nhiều áo ấm, quàng khăn cổ, mang bao tay để giữ ấm khi ra đường.

Chị Nguyễn Thị Thảo (quận Bình Tân) đang chở con đi học chia sẻ: “Không khí sáng nay có lẽ là lạnh nhất từ đầu năm đến nay mà tôi cảm nhận được. Thời tiết lạnh như thế này không khác gì ở Đà Lạt lúc sáng sớm”.

Giá thịt lợn bình ổn tại TP Hồ Chí Minh tăng từ 6.000-15.000 đồng/kg

Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 13/1, bắt đầu tăng giá 8 mặt hàng thịt lợn của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, thịt nạc vai, đùi được điều chỉnh tăng thêm 15.000 đồng/kg, lên 190.000 đồng/kg; thịt cốt lết, thịt vai tăng thêm 13.000 đồng/kg với giá tương ứng 153.000 đồng/kg và 158.000 đồng/kg. Ngoài ra, mặt hàng thịt chân giò, xương đuôi, thịt nách được tăng thêm 10.000 đồng/kg với giá tương ứng 139.000 đồng/kg, 113.000 đồng/kg và 137.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng thịt lợn đùi được điều chỉnh tăng ở mức thấp nhất 6.000 đồng/kg, lên 151.000 đồng/kg.

Hiện nay, có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được áp dụng mức tăng đợt này bao gồm: Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị BigC, Công ty Vissan và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Mức điều chỉnh này dựa trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn và tính toán của Sở Tài chính và các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh do giá lợn hơi trên thị trường có nhiều biến động.

M.T/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 12/1
Tin nổi bật ngày 12/1

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 12/1 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm gồm: Cách ly ngay 5 ca mắc mới COVID-19 là các ca nhập cảnh; hơn 6,4 triệu hộ nghèo, cận nghèo đang được vay vốn chính sách; từ nay đến Tết Nguyên đán, từng chuyến bay đón người về nước phải báo cáo Thủ tướng; xử lý điểm sinh hoạt "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" trái phép ở Thanh Hóa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN